Một trong số nhiều nền nhà phố bị bán trộm ở Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh. |
Không chỉ dừng lại ở đó, Công ty này còn sử dụng dự án làm tài sản thế chấp bảo lãnh cho hàng loạt doanh nghiệp khác vay tiền.
Nền đã giao cho dân, vẫn đem đi thế chấp
Như Báo Đầu tư đã phản ánh, Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh được cơ quan chức năng phê duyệt năm 2001, do Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng K&N (sau đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải, gọi tắt là Công ty Đại Hải) làm chủ đầu tư. Tiếp đó, Công ty Đại Hải và Công ty cổ phần Ani ký hợp đồng hợp tác kinh doanh và bán nền đất cho dân tự xây nhà, theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Sau khi xây nhà và dọn về ở tới 10 năm mà vẫn không nhận được sổ đỏ, người dân kêu cứu thì mới “vỡ” chuyện, do cần tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân, ông Ngô Xuân Trường (Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty Đại Hải) đã dùng thủ đoạn gian dối, tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng trùng 17 nền đất cho khách hàng khác, đồng thời làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua sau, chiếm đoạt số tiền hơn 10 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố ông Trường về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, sự việc chưa dừng ở đây. Theo cơ quan công an, quá trình điều tra xác minh đã phát hiện ông Lưu Quang Lãm (hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng - IMB, trụ sở chính tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), thời còn giữ cương vị Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty Đại Hải, đã đem thế chấp trái pháp luật 66 nền đất tại Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh tại nhiều ngân hàng để bảo lãnh cho hàng loạt doanh nghiệp khác vay tiền.
Cụ thể, theo cơ quan công an, vào ngày 21/5/2012, ông Lãm đứng tên Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty Đại Hải đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG3 67398 ngày 14/2/2007 của các thửa đất từ số 240-22 đến 240-37; từ thửa 240-68 đến 240-83 với diện tích hơn 2.700 m2 đi thế chấp tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) - Chi nhánh TP.HCM để bảo lãnh khoản vay cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thanh Uyên (quận 1). Đồng thời, ông Lãm còn ký hợp đồng ủy quyền cho ông Lê Đăng Mưu (Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Uyên) được quyền sử dụng những tài sản nêu trên.
Thế nhưng, theo nhiều hộ dân bị thế chấp tài sản tại Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh, suốt thời gian dài, không có bất kỳ ngân hàng (bên nhận thế chấp) nào liên hệ với họ để tìm hiểu, xác minh tình trạng tài sản đảm bảo là quyền sử dụng các lô đất, trong khi họ đã và đang là những người trực tiếp quản lý, sử dụng, thậm chí đã xây dựng nhà và sinh sống ổn định trên đất từ nhiều năm nay.
Trong khi đó, Công ty Đại Hải bị tố cáo từ lâu. Từ năm 2016, chính quyền TP. Thủ Đức đã làm việc với Công ty Đại Hải về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân. Tới năm 2018, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Thủ Đức làm việc với Công ty Đại Hải. Kết quả cho thấy, trong 419 nền dự án, Công ty Đại Hải mới chỉ hoàn tất thủ tục cấp sổ đỏ cho khoảng 200 lô đất. Số sổ đỏ còn lại, công ty này đem thế chấp tại nhiều ngân hàng.
Tới ngày 22/8/2012, ông Lưu Quang Lãm và Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh TP.HCM lại ký hợp đồng thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG367388 ngày 14/2/2007 của các thửa số 192-55 đến 192-66, thửa 192-72 đến 192-75 với diện tích gần 2.600 m2 để bảo lãnh cho khoản vay Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ sản xuất Song Hoa (TP. Thủ Đức). Ông Lãm còn ký hợp đồng ủy quyền cho vợ của Chủ tịch HĐQT Công ty Song Hoa được quyền sử dụng những tài sản nêu trên.
Trong những thửa đất được thế chấp, có tới 30 nền đất đã được bán và thu tiền của 30 khách hàng từ trước khi cầm cố.
Sau khi bảo lãnh vay tiền, Công ty Song Hoa và Công ty Thanh Uyên đã được giải ngân hơn 67 tỷ đồng. Đến nay VCB - Chi nhánh TP.HCM vẫn chưa thu hồi được số tiền vay trên.
Chưa hết, ngày 16/6/2012, ông Lãm đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO830882 ngày 30/7/2009 của các thửa đất từ số 192-139 đến 192-158, với diện tích hơn 1.800 m2 thế chấp Ngân hàng Đông Á - Chi nhánh quận 1 để bảo lãnh cho Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển nhà Thành phố vay vốn với số tiền 26 tỷ đồng. Trong các thửa đất trên, có tới 16 lô đất nền đã chuyển nhượng cho 16 khách hàng trước đó.
Thế chấp cho công ty vay hàng chục tỷ đồng mua… thẻ cào
Chưa dừng lại ở VCB - Chi nhánh TP.HCM, theo cơ quan công an, ngày 28/11/2012, ông Lãm và một ngân hàng khác Chi nhánh Nhà Bè ký kết Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 20121128/HĐTC. Theo đó, ông Lãm thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG367387 ngày 30/7/2009 của các thửa đất số 192-63 đến 192-71 với diện tích hơn 2.300 m2 để bảo lãnh cho Công ty TNHH Hương Nhiên (quận Bình Thạnh) vay vốn ngân hàng. Tổng cộng số tiền được bảo lãnh từ nguồn tài sản này cùng tài sản thế chấp khác của cá nhân Công ty tới 45 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 10/2012, Chi nhánh này cũng nhận thế chấp từ ông Lãm (Đại diện Công ty Đại Hải) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG367391 ngày 14/2/2007 với diện tích hơn 3.200 m2 để bảo lãnh cho Công ty cổ phần Đầu tư SG9 vay vốn với hạn mức tín dụng tới 40 tỷ đồng.
Trong các thửa đất bị đem thế chấp trên, có tới 14 lô đất đã bán cho khách trước đó.
Đáng lưu ý, theo chứng từ thì khoản tiền được đảm bảo vay của Công ty cổ phần Đầu tư SG9 để thanh toán tiền mua… thẻ cào và sau khi được giải ngân, số tiền lập tức được chuyển khoản vào hàng loạt công ty khác như Công ty cổ phần Cang San, Công ty TNHH Phát triển xây dựng Thái Bình Dương, Công ty Song Hoa.
Ông Lãm còn đại diện Công ty Đại Hải đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các thửa từ số 192-120 đến số 192-138 diện tích hơn 1.678 m2 thế chấp Ngân hàng Phương Nam (sáp nhập vào Ngân hàng Sacombank) bảo lãnh cho Công ty Thế kỷ 21 vay 15 tỷ đồng.
Trong những thửa đất được thế chấp nêu trên, có 6 lô đất đã được chuyển nhượng cho khách hàng.
Ngân hàng phớt lờ yêu cầu của công an?
Theo cơ quan công an, trong thời gian từ ngày 24/3/2012 đến ngày 28/11/2012, ông Lưu Quang Lãm đã thực hiện hành vi cầm cố, thế chấp trái pháp luật 66 nền đất tại Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh để bảo đảm cho 6 doanh nghiệp vay tổng cộng hơn 205 tỷ đồng.
Trong đó, tại Ngân hàng TMCP Đông Á - Chi nhánh quận 1, số tiền tổng dư nợ (vốn gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn) là hơn 136 tỷ đồng; Ngân hàng VCB - Chi nhánh TP.HCM hơn 67 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Phương Nam (đã sáp nhập vào Sacombank) 15 tỷ đồng...
Tới nay, các ngân hàng như Đông Á - Chi nhánh quận 1, Ngân hàng TMCP Phương Nam (sáp nhập Sacombank)... chưa thu hồi được nợ xấu hơn 198 tỷ đồng. Còn VCB - Chi nhánh TP.HCM đến nay chưa thu hồi được số tiền cho vay.
Điều kỳ lạ, dù cơ quan điều tra nhiều lần có văn bản đề nghị xác định số tiền thiệt hại, nhưng các chi nhánh ngân hàng này đều chưa cung cấp, nên cơ quan công an chưa thể xác định được thiệt hại.
Vì vậy, cơ quan công an cho hay, với hành vi của ông Lưu Quang Lãm và các doanh nghiệp được bảo lãnh vay thông qua việc thế chấp trái pháp luật 66 nền đất tại các ngân hàng nêu trên, sẽ được tách hành vi, tài liệu liên quan để điều tra củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý khi có kết quả giám định của cơ quan chức năng.