Chuyển động thị trường
M&A bất động sản đổi hướng từ thôn tính sang hợp tác
Hữu Tuấn - 24/11/2020 09:12
Hàng loạt thương vụ M&A trên thị trường bất động sản đang có chiều hướng chuyển từ việc săn tìm quỹ đất, thôn tính dự án, sang hợp tác cùng phát triển dự án.
M&A hiện nay mang tính hợp tác nhằm phát triển dự án, mở rộng thị trường hơn là thôn tính, triệt tiêu đối thủ.

Đầu tháng 11/2020, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Nomura (thuộc Tập đoàn Nomura Real Estate, Nhật Bản) đã công bố đầu tư vào một dự án căn hộ thuộc Khu đô thị Ecopark. Dự án có quy mô lên đến 3.000 căn hộ, dự kiến hoàn thành và bàn giao trong giai đoạn 2024 - 2025.

Nomura là cái tên không xa lạ. Đầu năm 2020, đơn vị này cùng Tập đoàn Mitsubishi tham gia đầu tư giai đoạn II, Dự án Vinhomes Grand Park của Vinhomes tại quận 9, TP.HCM. Giai đoạn II có diện tích 26 ha, gồm 21 tòa nhà với hơn 10.000 căn hộ, tổng vốn đầu tư khoảng 21.200 tỷ đồng. Trước đó, Nomura Real Estate được biết đến với nhiều thương vụ hợp tác có tiếng trong ngành bất động sản. Công ty này đã mua lại 24% cổ phần trong tòa nhà văn phòng Sun Wah Tower (quận 1, TP.HCM), hợp tác với Phú Mỹ Hưng phát triển Tổ hợp cao cấp Midtown, mua lại tòa nhà Zen Plaza (quận 1, TP.HCM)...

Tháng 9/2020, LDG Group đã công bố 5 dự án chiến lược nổi bật của mình trong năm 2020, đồng thời ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn Quản lý quỹ đầu tư S.A.M để cùng phát triển các dự án này. Ngay trong năm 2020, LDG Group sẽ triển khai 3 dự án tại Quảng Ninh, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng quỹ đất gần 1.000 ha, giá trị đầu tư hơn 53.000 tỷ đồng.

Ông Luis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO của Quỹ S.A.M, cho biết, cùng với việc đầu tư vào LDG Group, với bề dày và mối quan hệ với nhiều tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, S.A.M sẽ hỗ trợ, kết nối, thu xếp các nguồn vốn phù hợp với kế hoạch triển khai các dự án của LDG.

Một thương vụ khác là Quỹ KKR (Mỹ) và Temasek (Singapore) mua lại hơn 200 triệu cổ phần Vinhomes với giá trị 15.100 tỷ đồng, tương đương 650 triệu USD. 

Thị trường bất động sản thường diễn ra các thương vụ mua lại dự án thiếu năng lực tài chính, sang tên chủ mới. Nhưng gần đây, các quỹ đầu tư, tập đoàn ngoại đã gia nhập thị trường, bơm tiền để phát triển dự án và cùng chia lợi nhuận.

“M&A hiện nay mang tính hợp tác nhằm phát triển dự án, mở rộng thị trường hơn là thôn tính, triệt tiêu đối thủ. Đây là đặc trưng của hoạt động M&A trong thời gian vừa qua”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét.

Phân tích về xu hướng này, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, trong giai đoạn khó khăn 2011 - 2012, các quỹ đầu tư thường có quỹ phòng hộ (Hedge Fund) khi tham gia vào thị trường Việt Nam với mục đích M&A và kỳ vọng đạt 8 - 10% lợi nhuận đối với mỗi tài sản. Còn hiện tại, dù thị trường có khó khăn về mặt doanh thu, nhưng với suất sinh lời khoảng 5%, thậm chí có tài sản âm hoặc chỉ lãi 1 - 2% vẫn có nhà đầu tư sẵn sàng tìm kiếm mua, đặc biệt ở khu vực TP.HCM, Hà Nội.

Theo ông Khương, các quỹ ngoại, tập đoàn quốc tế đã giảm kỳ vọng vào tỷ suất lợi nhuận. Họ đang trông chờ vào lợi nhuận lớn chuyển nhượng dự án trong tương lai.

“Việc hợp tác giữa đối tác nước ngoài với doanh nghiệp Việt cũng có nhiều điểm tương hỗ. Doanh nghiệp nước ngoài có thể giảm bớt chi phí khi tham gia dự án ở Việt Nam, thủ tục pháp lý cũng thuận lợi hơn. Còn doanh nghiệp Việt có năng lực quản trị, phát triển dự án, có kiến thức và thấu hiểu nhu cầu địa phương, có thể định vị được sản phẩm”, ông Khương chia sẻ.

“Trong lĩnh vực bất động sản, trước đây, doanh nghiệp trong nước thường chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài, chứ không có sự kết hợp lâu dài ở mức độ tập đoàn. Nhưng giờ đây, xu hướng đã thay đổi, các doanh nghiệp trong nước có thế mạnh về sự am hiểu thị trường, xây dựng sản phẩm nhà ở, còn nhà đầu tư chiến lược sở hữu công nghệ giúp giảm thiểu chi phí, có nhiều kinh nghiệm phát triển phân khúc thương mại mà doanh nghiệp trong nước còn thiếu. Sự hợp tác sẽ đem lại giá trị cộng hưởng bền vững cho các bên”, ông Vũ Thành Lê, CEO LM Capital nhận định.

Bà  Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn tại Việt Nam của JLL phân tích, mặc dù hoạt động bất động sản tăng trưởng chậm, nhưng các tên tuổi quốc tế đã có mặt tại Việt Nam rất kiên trì với chiến lược đầu tư bằng cách tiếp tục tìm mua tài sản hoặc hợp tác với doanh nghiệp nội địa có uy tín.

“Do dịch bệnh được kiểm soát tương đối tốt ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị cho các hoạt động kinh doanh của họ trở lại bình thường. Vị trí đàm phán giữa người bán và người mua ngày càng trở nên cân bằng hơn. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch thành công hơn khi thị trường được dự kiến sớm phục hồi trong năm 2020 - 2021”, bà Khanh nói.

Tin liên quan
Tin khác