Chuyển động thị trường
M&A kích thích thị trường bất động sản
Việt Dũng - 26/10/2021 08:11
Quá trình phê duyệt pháp lý dự án mới kéo dài, khiến M&A là con đường ngắn nhất để các chủ đầu tư có được quỹ đất. Đây được ví như “liều thuốc” kích thích thị trường bất động sản.
Dự án Vinhomes Dream City (Hưng Yên) do Vinhomes mua lại và đang phát triển thành một khu đô thị đẳng cấp.

Cuộc đua ngày càng tăng nhiệt

Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) bất động sản vẫn sôi động với các giao dịch đất đai quy mô lớn, nhất là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2021.

Đơn cử, tại khu vực phía Bắc, Vinhomes, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam, đã công bố việc mua lại Khu đô thị Đại An (Hưng Yên), vùng vệ tinh phía Đông Hà Nội. Giá trị của thương vụ là 3.100 tỷ đồng (tương đương 134 triệu USD).

Dự án Khu đô thị Đại An, hay còn gọi là Vinhomes Dream City, có tổng quy mô 486 ha, cung cấp các sản phẩm đa dạng như căn hộ, biệt thự, nhà phố và shophouse. Điểm độc đáo của dự án này là quần thể bể bơi tạo sóng lớn nhất thế giới với quy mô lên đến 18,1 ha.

Đối với thị trường bất động sản đang phát triển như Việt Nam, có được quỹ đất tốt là một yếu tố thuận lợi, nhưng chưa quyết định việc thành công. Quan trọng là phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng và bền vững, tầm nhìn dài hạn, năng lực phát triển, am hiểu thị trường sâu sắc. Đây là điều không thể thiếu đối với bất kỳ chủ đầu tư nào để thành công trong ngắn hạn và dài hạn.

Còn ở khu vực phía Nam, Nam Long Group đã công bố việc mua lại toàn bộ cổ phần của Dự án Thành phố Izumi (170 ha) tại tỉnh Đồng Nai từ Keppel Land. Dự án này bắt tay cùng Tập đoàn Hankyu Hanshin Properties đến từ Nhật Bản, trong đó Nam Long có 65,1% cổ phần và Hankyu Hanshin 34,9% cổ phần, với tổng vốn đầu tư lên đến 18.600 tỷ đồng (tương đương 803,5 triệu USD)

Các thành phố ven biển miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn cũng đang dần trở nên sôi động với nhiều thương vụ lớn. Tập đoàn Danh Khôi đã mua lại tòa tháp ven sông tại Đà Nẵng có diện tích khoảng 0,3 ha từ Công ty TNHH Đầu tư Sun Frontier. Trước đó, nhà phát triển này cũng đã thâu tóm hơn 11.000 m2 đất tại khu dân cư Cồn Tân Lập tại Nha Trang từ Công ty cổ phần Sông Đà Nha Trang.

Ngoài ra, nhiều ông lớn khác trong ngành như Novaland, Phát Đạt, Đất Xanh, DIC Corp... cũng tuyên bố những chiến lược đầy tham vọng với việc tiếp tục tìm kiếm và thâu tóm các quỹ đất chuẩn bị cho tương lai.

Theo ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc COPiHOME,  trước những khó khăn của thị trường và tác động của dịch bệnh, nhiều chủ đầu tư dự án rơi vào tình trạng khó khăn nên buộc phải bán trao tay dự án hoặc chấp nhận chuyển nhượng, san sẻ bớt cổ phần… Đây cũng chính là cơ hội M&A các dự án bất động sản cho cả nhà đầu tư nội và ngoại - những người có tiềm lực mạnh về tài chính.

“Với bối cảnh thiếu hụt quỹ đất ngay cả trước Covid-19, nên cuộc đua thâu tóm quỹ đất của các nhà phát triển sẽ tiếp tục sôi động”, ông Phi nhận định.

Diện mạo thị trường đang thay đổi

Hoạt động M&A nhộn nhịp được các chuyên gia đánh giá là sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường bất động sản. Đa số dự án được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín, có chiến lược bền vững, do vậy, thị trường nhà ở sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng tốt hơn phục vụ khách hàng.

Lấy ví dụ tại Dự án Khu căn hộ cao cấp Hiyori Garden Tower (Đà Nẵng), được Tập đoàn Danh Khôi mua 100% vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier. Ngay sau khi mua lại dự án này, Danh Khôi đã khẩn trương triển khai dự án với tên gọi mới là The Royal - Boutique & Condo Da Nang (The Royal).

Trở lại thương vụ Nam Long Group mua toàn bộ cổ phần của Dự án Izumi City từ Keppel Land, nhà đầu tư này đã chính thức giới thiệu ra thị trường Khu đô thị tích hợp Izumi City, với tổng mức đầu tư 18.600 tỷ đồng, cung cấp hàng ngàn căn nhà phố, shophouse. Trước đó, đây chỉ là khu đất trống nằm cạnh sông Đồng Nai, được quây tôn kín mít suốt nhiều năm liền.

Nhìn vào hiệu suất đầu tư cổ phiếu của một số nhà phát triển bất động sản tiềm lực mạnh cũng ghi nhận các cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp này đều vượt trội và có sức hấp dẫn lớn. Điều này thể hiện triển vọng tích cực trong khả năng tiếp cận các nguồn vốn mới.

Điển hình thương vụ Tập đoàn Dragon Capital mua lại khoảng 10% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (mã chứng khoán AGG). Trước đó, An Gia đã mạnh tay thâu tóm quỹ đất tại 4 dự án với quy mô lên đến 41 ha trong giai đoạn 2019 - 2020 và đang tiếp tục đàm phán mua thêm 45 ha tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương.

Theo ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT Công ty An Gia, M&A dự án là cách thức để An Gia tạo lợi lợi thế và cụ thể hóa các chiến lược kinh doanh của mình. Thông qua các thương vụ M&A, Công ty sẽ tiết kiệm được thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý cũng như giải quyết được những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng.

“Trong vòng 3 năm tới, An Gia dự kiến dành từ 3.000 đến 5.000 tỷ đồng phục vụ hoạt động M&A dự án để mở rộng quỹ đất, tạo nền tảng đột phá cho giai đoạn tiếp theo”, ông Sáng khẳng định.

Nhận định về thị trường trong thời gian tới, bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội cho biết, cơ hội vẫn dành cho các nhà đầu tư sẵn sàng chờ sự bật lại của thị trường. Trong thời gian tới, thị trường có thể sẽ ghi nhận những thương vụ chuyển nhượng lớn trong lĩnh vực khách sạn và nghỉ dưỡng. Các thương vụ thành công sẽ nằm tại những dự án đất sạch, pháp lý rõ ràng hoặc tài sản hoàn thiện đang hoạt động.

Tin liên quan
Tin khác