Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, ngành tài chính ở Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động M&A trong thời gian tới.
Lý do, số lượng ngân hàng tham gia thị trường vẫn lớn, trong khi đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng để lĩnh vực này ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Đáng chú ý là những ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và những ngân hàng nhỏ yếu kém sẽ khó tránh khỏi M&A.
Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam, ông Lê Khánh Lâm cũng nhận định, ngành ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng sẽ luôn hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong thời gian qua và tới đây. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo, dược phẩm và viễn thông, cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian tới thông qua M&A.
Trong khi đó, bà Bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF cũng đánh giá rằng, M&A trong ngành tài chính - ngân hàng, công nghệ, tiêu dùng... sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Đồng thời, nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp đang kỳ vọng ở lĩnh vực năng lượng. Đây được xem là lĩnh vực năng động, có nhiều thay đổi liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng mong muốn được vay vốn ngân hàng để có thể đẩy mạnh. Bên cạnh đó, theo bà Duyên, lĩnh vực hạ tầng cũng là một trong những ngành được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và M&A sẽ tăng, nhưng lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn lớn.
Trên thực tế M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng sôi động trong 2021, với kỷ lục là thương vụ VPBank bán 49% vốn FE Credit cho đối tác Nhật Bản, thu về gần 1,4 tỷ USD.
Cụ thể, cuối tháng 10/2021, VPBank chính thức hoàn tất thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho đối tác SMBC (Nhật Bản), thu về gần 1,4 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A có giá trị cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và cũng là thương vụ M&A lớn nhất của Việt Nam năm 2021.
Trước đó, cuối tháng 11/2021, MSB cho hay, ngân hàng này ký kết thỏa thuận bán 100% vốn công ty con FCCom cho đối tác nước ngoài. Thương vụ dự kiến được ký kết cuối năm nay và sẽ mang về cho Ngân hàng 1.800 - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận, ghi nhận vào năm sau. Con số này cao gấp 4 lần mức định giá mà một số chuyên gia phân tích dự báo trước đó...
Thế nhưng, thị trường dự báo còn sôi động hơn, với hàng loạt thương vụ M&A tỷ USD đang dần lộ diện. Nếu như năm 2021, thị trường M&A công ty tài chính tiêu dùng dậy sóng thì đánh giá được đưa ra, năm 2022, thị trường sẽ chứng kiến hàng loạt thương vụ bán cổ phần ngân hàng cho đối tác ngoại.
Trong đó, đáng chú ý nhất là thương vụ VPBank bán 15% cổ phần ngân hàng mẹ, dự kiến diễn ra đầu quý I/2022.
Ngoài ra, với các ngân hàng yếu kém và đang kiểm soát đặc biệt theo các chuyên gia M&A cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi xu hướng mua bán, sáp nhập sôi động.