Bà Duyên cho biết, thời gian dịch bệnh bùng phát vừa qua đã thay đổi rất nhiều cách thức giao tiếp, làm việc và thực hiện thương vụ của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trong một thương vụ được đóng gần đây trong thời gian giãn cách giữa các tỉnh thành, để kịp có chữ ký bản gốc của người ký ở cách xa TP.HCM 30 km để kịp thời hạn đóng thương vụ, chúng tôi phải săn tìm những người quen biết đã có giấy phép lái xe tải từ tỉnh về thành phố trong thời gian giãn cách, chỉ để chiếc xe tải chở một bản gốc tài liệu được ký về thành phố. Nhưng về đến thành phố, nộp hồ sơ vào Sở Kế Hoạch và Đầu Tư, tưởng có thể hoàn thành giao dịch trong vài ngày, thì dịch bệnh lại dẫn đến đóng cửa tạm thời dịch vụ bưu chính TP.HCM và phải 1 tháng sau, sau khi dịch vụ bưu chính mở lại, Sở Kế hoạch và Đầu tư mới có thể gửi bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sửa đổi về để hoàn thành giao dịch.
Đó là những ngày khá căng thẳng! Tuy nhiên, đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ đối với VILAF cũng như doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các thương vụ M&A trong thời gian hết sức đặc biệt này của lịch sử.
"Như chúng ta cũng đã thấy, kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế của Việt Nam đã bị tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, song hoạt động M&A vẫn diễn ra mạnh mẽ. Nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chảy vào thị trường châu Á nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng, trong đó, các lĩnh vực tiêu dùng, tài chính, bán lẻ, logistics, công nghiệp, bất động sản công nghiệp. Và ngay cả trong những tháng giãn cách ở đỉnh dịch vừa qua, những nhà đầu tư có chiến lược lâu dài với thị trường Việt Nam vẫn tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư và M&A,” bà Duyên nói.
Theo bà Duyên, thử thách trên sẽ từng bước được gỡ bỏ khi dịch bệnh dần được kiểm soát và giao thông thuận tiện hơn.
"Cá nhân tôi thấy lạc quan về năm 2022, và qua trao đổi tôi nhận thấy, các nhà đầu tư cũng lạc quan về điều này. Năm 2022 có thể là một năm có sức bật cho Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp FDI cũng như các nhà làm chính sách của Việt Nam cũng đã thích ứng rất nhanh đối với biến chuyển của dịch bệnh và nhanh chóng đưa ra và thực hiện các chiến lược cho phục hồi và phát triển," bà Duyên cho biết thêm.
Các doanh nghiệp cũng như các nhà làm chính sách đã thúc đẩy nhanh việc số hoá các hoạt động và nền kinh tế. Số hóa cũng giúp đẩy mạnh hoạt động M&A trong thời gian qua và sắp tới. Thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ và dự kiến sẽ tăng trưởng không dưới 15-20%/năm trong thời gian tới.
Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đã ký, bao gồm EVFTA đã có hiệu lực tháng 8/2020 và RCEP sắp có hiệu lực đầu năm 2022, có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu, tinh gọn quy trình về hải quan, hợp nhất nguyên tắc về xuất xứ, và cải thiện các quy chế về tiếp cận thị trường, giúp tăng sức hấp dẫn của việc đầu tư vào Việt Nam đối với các tập đoàn đa quốc gia.
Tôi muốn lưu ý EVFTA có 2 cam kết khá quan trọng của Việt Nam, bao gồm cam kết gỡ bỏ kiểm tra nhu cầu kinh tế đối với dịch vụ bán lẻ sau 5 năm kể từ ngày hiệu lực và cam kết xem xét chấp thuận cho các tổ chức tín dụng EU được nâng tỷ lệ sở hữu lên đến 49% trong không quá 2 ngân hàng cổ phần của Việt nam, với điều kiện thời gian hiệu lực của cam kết này kéo dài không quá 5 năm.