M&A thời gian tới: Trong nguy có cơ
Các diễn giả Diễn đàn M&A 2022 nhìn nhận, năm tới sẽ khó khăn, như thể chúng ta mới kết thúc “kỳ nghỉ 30 năm”, nhưng trong khó khăn luôn có cơ hội mới.
TIN LIÊN QUAN
Chia rẽ giữa “giữ nguyên” và “gia tăng”
Năm 2022, theo quan sát của KPMG, các nhà đầu tư trong nước đã bắt kịp tốc độ và chiếm lĩnh thị trường M&A khi họ cần một kênh huy động vốn để phục hồi nhanh chóng sau đại dịch và cải cách mô hình kinh doanh. Điều này thể hiện qua việc mở rộng tỷ trọng trong giá trị thương vụ so với nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng cách tiếp cận thận trọng hơn đối với đầu tư sau đại dịch, cùng với những rủi ro gần đây như lạm phát, địa chính trị và khoảng cách giữa kỳ vọng của bên mua và bên bán có thể ảnh hưởng đến khẩu vị rủi ro của bên mua nước ngoài, dẫn đến hoạt động M&A xuyên biên giới chậm lại.
Trước những bất ổn trong kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 sau tăng trưởng kỷ lục 8,8% trong 9 tháng năm 2022. Bên cạnh đó, các hoạt động xử lý gian lận gần đây, lãi suất tăng và đồng tiền suy yếu cũng đặt nền kinh tế vào những thách thức hơn nữa trong năm tới. Những yếu tố như vậy luôn khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn mỗi khi xem xét một quyết định M&A.
Diễn giả thảo luận tại phiên 1 Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 |
Theo ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Luật VILAF, trong 10 tháng qua nếu các nhà đầu tư tìm kiếm và muốn M&A thương vụ nào liên quan đến bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng hay các lĩnh vực năng lượng đều mất nhiều thời gian hơn. Phải kiểm tra rất kỹ nguồn tiền, tính pháp lý của dự án... Nhưng nhìn tổng thể một thương vụ, các nhà đầu tư vẫn nhận được nhiều sự hỗ trợ.
Trong cuộc khảo sát gần đây của KPMG với khách hàng của Private Equity, tâm lý đối với các hoạt động M&A dường như bị chia rẽ giữa “giữ nguyên” và “gia tăng” giao dịch hơn vào năm 2023. Điều thúc đẩy những đơn vị được hỏi chọn “gia tăng” (nhiều giao dịch hơn) là họ nhìn thấy cơ hội giá giảm.
Thị trường hiện tại đang đưa ra mức định giá hấp dẫn hơn nhiều so với năm 2021 và đầu năm 2022. Điều này được phản ánh qua kỳ vọng rằng bội số định giá sẽ tiếp tục giảm vào năm 2023. Từ quan điểm vốn cổ phần tư nhân, đây sẽ là môi trường thuận lợi để chọn đúng công ty có hoạt động hiệu quả hoặc các công ty mục tiêu phù hợp để mua lại. Theo một báo cáo năm 2022 của Bain & Company, các quỹ đầu tư tư nhân vào châu Á đang ở mức cao kỷ lục là 650 tỷ USD.
Đối với những người chọn “giữ nguyên” hoặc thậm chí “giảm” các hoạt động giao dịch, KPMG nhận thấy lạm phát và lãi suất cao sẽ là hai yếu tố chính dẫn đến quyết định của họ. Trên cơ sở lạm phát và lãi suất cuối cùng cũng sẽ điều chỉnh giảm hợp lí, và do đó khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng, chúng tôi kỳ vọng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ phục hồi bắt đầu từ nửa cuối năm sau. Khi xu hướng này tiếp tục, chuyển đổi số, chuyển sang năng lượng sạch, thị trường tiêu dùng rộng lớn và nhận thức về ESG ngày càng tăng sẽ tiếp tục là những chủ đề chính cho hoạt động M&A trong tương lai tại Việt Nam
Trong nguy có cơ
Theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, xu hướng đầu tư đang nhiều thay đổi. Tuy nhiên, có một tin tốt ở Việt Nam là các loại hình đầu tư cũng như các nhà đầu tư ngày càng đa dạng. Dù bức tranh kinh tế thế giới bây giờ đúng là đáng sợ. Thế giới đã kết thúc 3 “thập kỷ thư giãn” (ý nói đạt nhiều thành tựu, có nhiều điểm tích cực).
“3 thập kỷ nữa có thể có nhiều khó khăn nhưng trong nguy sẽ có cơ. Các công ty Việt Nam đã thích ứng vào chuỗi cung ứng toàn cầu số hóa đổi mới ... sẽ tạo ra các cơ hội to lớn cho Việt Nam. Sự trỗi dậy của Đông Á và khu vực kinh tế Đông Nam Á là động lực phát triển của kinh tế thế giới. Dân số thế giới đã đạt 8 tỷ 2030 có 1 tỷ ng lên 65 tuổi cũng sẽ mở ra các cơ hội mới...”, ông Dominic Scriven nhìn nhận.
Các doanh nghiệp tới Diễn đàn đều muốn biết M&A thời gian tới dự báo thế nào |
Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam nói rằng, các doanh nghiệp đến diễn đàn này và muốn thấy câu trả lời chuyện gì xảy ra năm tới. "Nhưng năm tới là năm rất khó khăn để dự báo. Tôi thích ý kiến của Dominic chúng ta mới kết thúc kỳ nghỉ 30 năm. Tôi hy vọng những năm tới dù khó khăn nhưng chúng ta vẫn có thể vượt qua", ông Lâm chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của ông Lâm nhiều loại hình đầu tư khác nhau sẽ đến Việt Nam. Dù các ngành hàng mục tiêu luôn thay đổi theo thời gian. Giai đoạn này bất động sản có thể chậm lại. Các ngành tiêu dùng bán lẻ nông nghiệp sẽ sôi động hơn và gần đây có sự dịch chuyển sang viễn thông chăm sóc sức khỏe giáo dục và năng lượng.
Theo KPMG trong 10 tháng đầu năm 2022, số lượng giao dịch M&A trong ngành Năng lượng và Tiện ích công cộng tăng gấp đôi và tổng giá trị giao dịch tăng gấp năm lần so với năm 2021, đạt 676 triệu USD và vượt qua mức trước đại dịch (518 triệu USD) của năm 2020. Các chính sách khuyến khích của chính phủ là động lực chính thúc đẩy hoạt động M&A trong ngành. Đến năm 2025, năng lượng tái tạo được dự đoán sẽ vượt qua nhiên liệu hóa thạch để trở thành phương tiện sản xuất điện chính trên thế giới (theo IEA). Thị trường M&A tăng đột biến do các nhà đầu tư chuyển trọng tâm sang lĩnh vực năng lượng sạch. Do đó, lĩnh vực Năng lượng & Tiện ích công cộng sẽ được đầu tư nhiều vào các hoạt động của mình hơn bao giờ hết.
Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam: Việt Nam là điểm hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản vì đang trong thời kỳ dân số trẻ. Độ tuổi trung bình Nhật Bản và Việt Nam chênh nhau 17 tuổi, tầng lớp trung lưu Việt Nam tăng nhanh, đặc biệt Việt Nam là quốc gia có GDP tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.
Điều này khiến các công ty Nhật Bản nhìn về điểm tích cực, tin tưởng tương lai. Khi các nhà đầu tư thoái vốn khỏi Việt Nam, thì nhà đầu tư Nhật Bản sẽ bước vào, nhưng tất nhiên các nhà đầu tư vẫn còn những theo dõi, nghiên cứu thêm thị trường. Thời gian các nhà đầu tư Nhật sẽ bay liên tục sang Việt Nam có thể là 6 tháng nữa.
Đâu là lĩnh vực hấp dẫn?
Theo KPMG, các yếu tố cần cân nhắc cho cơ hội M&A năm 2023 là các thương vụ lớn trong lĩnh vực Dịch vụ Tài chính có thể thay đổi cục diện của thị trường M&A khi chúng được ký kết vào năm 2023; Thoái vốn Nhà nước tại các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lớn có thể mang lại luồng sinh khí mới cho thị trường M&A; Các xu hướng lớn tiếp tục là “Xanh” và “Tầng lớp trung lưu mới nổi” sẽ mang lại nhiều khoản đầu tư hơn vào lĩnh vực Năng lượng.
Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam đánh giá, các ngành như điện nước, thực phẩm y tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp... đó là những ngành phát huy lợi thế của thị trường đông dân. Khách hàng của chúng tôi còn hỏi về ngành xây dựng bất động sản dù là những ngành đang gặp rất nhiều thách thức ở Việt Nam. Câu hỏi là các ngành này có tiếp tục kinh doanh và lợi nhuận tốt không?
Thực sự vẫn có khoản tiền vốn rẻ nhưng phải đi tìm được các dự án tốt để đầu tư. Các công ty chuẩn bị thu hút đầu tư phải lưu ý đến việc chia sẻ thông tin minh bạch rõ ràng và các kế hoạch hay cách thức ưu tiên. Tiền huy động vào sử dụng như nào cho dự án nào dự án nào đang dùng lại. Tất cả đều phải rất minh bạch để tạo sự tự tin cho khách hàng.
Theo ông Seck Yee Chung, Luật sư hợp danh, Công ty Luật Baker & McKenzie, bất động sản nhà ở thương mại khó nhưng bất động sản kho bãi hay logistic vẫn sẽ có cơ hội phát triển... Nhu cầu của người tiêu dùng và giao hàng cũng thay đổi, họ muốn giao nhanh nên các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư các trung tâm dữ liệu lớn, nhưng mấu chốt vẫn là làm sao có đất để làm kho bãi....
“Việt Nam vẫn là thị trường có nhiều thương vụ M&A với Nhật nhiều nhất. Thương mại, IT, kỹ thuật số và bất động sản đã là lĩnh vực các nhà đầu tư Nhật quan tâm. Nhưng trong những năm tới thực phẩm và chế viến thực phẩm.. công nghệ số, đặc biệt ngành bán lẻ, các nhà đầu tư trong ngành bán lẻ của Nhật sẽ sang Việt Nam nhiều hơn để tìm hiểu. Ngoài ra, tài chính tiêu dùng cũng sẽ được quan tâm. Đặc biệt các nhà đầu tư Nhật cũng quan tâm tới các doanh nghiệp starup ở bất kỳ ngành nào”, ông Masataka “Sam” Yoshida nhận định.
Tin liên quan
Tin khác