Phát hành trái phiếu - thua lỗ - sáp nhập
Là cá nhân từng có vai trò quan trọng trong việc điều hành Trịnh Gia Nguyễn và đưa công ty này thâu tóm dự án Khu nghỉ dưỡng Nha Trang Seahorse Resort & Spa, ông Lê Xuân Học còn điều hành nhiều doanh nghiệp khác và có liên quan chồng chéo với nhau, trong đó nổi bật là CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Bách Giang - DCI.
Hiện Bách Giang - DCI có vốn điều lệ 3.542 tỷ đồng. Công ty có trụ sở tại xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Theo báo cáo tình hình tài chính, năm 2023, công ty lỗ sau thuế 9,9 tỷ đồng, khoản lỗ lớn hơn năm trước đó (lỗ 15 triệu đồng). Nếu cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Bách Giang - DCI còn 414 tỷ đồng, thì chỉ trong 1 năm, công ty đã âm vốn chủ sở hữu 60 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng vọt từ 15,4 tỷ đồng lên 3.265 tỷ đồng.
Theo giới thiệu của Bách Giang - DCI, công ty là chủ đầu tư các dự án bất động sản lớn tại Hưng Yên với các dự án đang triển khai gồm Khu đô thị Modus và Dior với tổng diện tích 78,2 ha.
Dự án Khu đô thị Modus hay còn gọi là Khu đô thị mới phía Đông huyện Văn Giang (Khu A) nằm trên địa bàn xã Long Hưng, huyện Văn Giang. Công ty cổ phần phát triển đầu tư xây dựng Bách Giang-DCI được UBND tỉnh cấp Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư số 109/QĐ-UBND cấp lần đầu ngày 8/5/2009, điều chỉnh lần thứ nhất ngày 1/11/2022 để thực hiện dự án Khu A - Khu đô thị phía Đông huyện Văn Giang (Khu đô thị Modus).
Dự án từng bị cử tri xã Long Hưng đề nghị có phương án đẩy nhanh tiến độ xây dựng vì đã thu hồi đất nhiều năm, tránh để lãng phí đất. Trong khi đó, Khu đô thị Dior chỉ mới xuất hiện tên trên website của Bách Giang - DCI và chưa có thêm thông tin khác.
Được biết, trước đây, Dự án Khu đô thị Bách Giang được chấp thuận với diện tích 92,52 ha, trong đó Khu A 49,9 ha và khu B 42,62 ha. Tuy nhiên, do chậm triển khai trong thời gian dài, Bách Giang - DCI đã không được chấp thuận cho tiếp tục triển khai thực hiện dự án tại Khu B mà chỉ có thể điều chỉnh dự án ở khu A và có cam kết cụ thể về tiến độ là 60 tháng tính từ tháng 11/2022.
Dù dự án trọng điểm đang ách tắc, nhưng trong năm 2023, Bách Giang - DCI vẫn thực hiện sáp nhập 2 doanh nghiệp gồm CTCP Đầu tư Thủy Hòa và CTCP Đầu tư Revital Việt Nam. Hai doanh nghiệp này đều phát hành trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2018 với giá trị phát hành lần lượt là 945 tỷ đồng và 1.155 tỷ đồng.
Trước khi bị sáp nhập, Báo cáo thông tin của CTCP Đầu tư Thủy Hòa cho thấy doanh nghiệp này liên tục thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu. Năm 2022, công ty lỗ 156 tỷ đồng và vốn chủ -317 tỷ đồng. Công ty rơi vào tình trạng không thanh toán được đủ lãi trái phiếu đến hạn. Còn Revital Việt Nam cũng ghi lỗ 193 tỷ đồng trong năm 2022, tiếp nối khoản lỗ hơn 156 tỷ đồng năm liền kề trước đó.
Sau khi sáp nhập, Bách Giang - DCI đã thực hiện nghĩa vụ trái phiếu của các công ty bị sáp nhập. Sau nhiều lần thực hiện mua lại, công ty không còn dư nợ trái phiếu vào cuối 2023.
Tiếp tục xuất hiện bóng dáng PVcomBank
Người đại diện theo pháp luật của Bách Giang - DCI trước đây là bà Trịnh Thị Hà, Chủ tịch HĐQT và vừa thay đổi sang ông Lê Xuân Học vào giữa năm 2023.
Ông Lê Xuân Học từng xuất hiện trong danh sách nhóm cổ đông PVComBank với tỷ lệ nắm giữ thời điểm đó là 2,34%. Đồng thời, bà Trịnh Thị Hà cũng là một cá nhân có liên quan đến nhóm cổ đông sở hữu phần lớn cổ phần PVComBank.
Nhắc đến bà Trịnh Thị Hà, nữ doanh nhân này ghi dấu ấn với vị trí chủ chốt ở những công ty ngành bất động sản như Giám đốc CTCP Veracity - chủ đầu tư dự án The Summit 216 tại 216 Trần Duy Hưng, Hà Nội hay từng là Giám đốc CTCP Familia - chủ đầu tư dự án chung cư Discovery Complex 3 tại số 254 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Ngoài ra, bà Trịnh Thị Hà cũng là lãnh đạo tại nhiều công ty ngành khai khoáng.
Bóng dáng của PVComBank lại xuất hiện khi tháng 1/2022, Veracity đã dùng Quyền khai thác, quản lý và các khoản lợi tức thu được từ Dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building làm tài sản đảm bảo cho khoản vay thế chấp tại PVComBank.
Đáng chú ý, chủ cũ của Summit Building là CTCP Signo Land (nay đã đổi lại tên thành Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216) đã phát hành trái phiếu trị giá 1.366,6 tỷ đồng vào tháng 12/2021. Ngay sau khi phát hành trái phiếu thành công, Signo Land quay đầu báo lỗ vào năm 2022 và liên tục thua lỗ cho đến nay.
Báo cáo của Signo Land cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty lỗ tiếp 71,7 tỷ đồng, kéo lỗ lũy kế doanh nghiệp xuống -396 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm nặng hơn. Tính đến 30/06/2024, vốn chủ sở hữu công ty -146 tỷ. Trước đó, năm 2023, công ty thua lỗ 166 tỷ, tương đương mức thua lỗ năm 2022.
Với tình trạng này, Signo Land phải cơ cấu lại gói trái phiếu đã phát hành với kỳ hạn dài hơn, đồng thời biên độ lãi suất cũng giảm từ mức tối thiểu 4,5% xuống 3,5%.
Sau một số lần mua lại trái phiếu, hiện Signo Land còn 10.487 trái phiếu, trái chủ của gói trái phiếu này là PVcomBank. Trái phiếu vốn phải đáo hạn vào ngày 30/6/2023 tuy nhiên được kéo dài đến 30/9/2024. Dù vậy Signo Land vẫn chưa có khả năng thanh toán hết và đã nhiều lần xin đề xuất giãn ngày trả nợ lãi trái phiếu quá hạn.
Dù đã chuyển nhượng dự án Summit Building cho Veracity vào năm 2019, tuy nhiên, tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu của Signo Land năm 2021 vẫn liên quan đến dự án này. Theo đó, tài sản đảm bảo trước giải ngân có tổng giá trị 1.956 tỷ đồng, bao gồm Quyền của Tổ chức phát hành phát sinh từ hợp đồng nguyên tắc mua bán 139 căn hộ tại dự án Công trình hỗn hợp nhà cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại DLC - Complex Nguyễn Tuân với Công ty TNHH Đầu tư bất động sản DLC và Quyền tài sản của Tổ chức phát hành phát sinh từ hợp đồng nguyên tắc mua bán 202 căn hộ tại Dự án Summit Building với Veracity. Sau khi giải ngân, tài sản đảm bảo có thay đổi nhưng vẫn liên quan đến 2 dự án trên với tổng giá trị tài sản đảm bảo là 1.347 tỷ đồng.
Hiện trên website của Veracity, ngoài dự án Summit Building, công ty cũng giới thiệu dự án Harmony Square chính là DLC - Complex Nguyễn Tuân.
Thông tin đảm bảo sau giải ngân cho lô trái phiếu của Signo Land |