Không chủ quan khi bị viêm tai
Một tháng gần đây, Trung tâm Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận 50 người bệnh đến điều trị viêm tai do đi bơi giải nhiệt mùa nắng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Ảnh minh họa. |
Trong đó, viêm tai ngoài phổ biến ở người lớn, viêm tai giữa phổ biến ở trẻ em. Người lớn, khi tắm thường đưa tay bẩn có mầm bệnh lên ngoáy tai.
Trẻ em sức đề kháng yếu hơn, cấu tạo của vòi nhĩ nằm chếch với phương ngang hơn và ngắn hơn nên khi nguồn nước tắm nhiễm khuẩn dễ tấn công, đối diện nguy cơ viêm tai giữa nhiều hơn.
Song đáng tiếc, nhiều người chưa hiểu rõ bệnh nên xử trí ban đầu tại nhà không đúng cách, như khi bị viêm tai là dùng oxy già nhỏ vào tai, dùng thuốc nhỏ tai mua ở tiệm thuốc tây, cạo những viên thuốc kháng sinh rắc vào tai khi thấy dịch chảy ra ngoài. Như vậy, lớp biểu bì bảo vệ trên ống tai sẽ bong ra, làm chậm quá trình lành thương.
Thậm chí, bác sĩ gặp không ít trường hợp người bệnh bị hẹp ống tai ngoài khiến dịch viêm không được dẫn lưu ra ngoài, khiến quá trình điều trị khó khăn, gây giảm sức nghe hoặc ảnh hưởng thính lực.
Thạc sĩ, bác sĩ CKI Diệp Phúc Anh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, nhiều người không sử dụng nút bịt tai khi đi bơi, khiến nước hồ bơi vào trong tai và ứ đọng, thay đổi độ PH trong ống tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm sinh sôi, gây viêm nhiễm.
Những người đã có tiền sử bị viêm tai, thủng màng nhĩ, có bất thường về giải phẫu ống tai rất dễ bị đọng nước bên trong và nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Ngoài ra, còn có các yếu tố gây viêm tai do bơi lội như trầy xước da ống tai hoặc chấn thương ống tai do tăm bông, móng tay hoặc các dụng cụ đặt trong tai trước đó; mắc các bệnh về da (chàm da).
Bác sĩ Diệp Phúc Anh khuyến cáo người bệnh nên đến bệnh viện điều trị nếu nhận thấy các dấu hiệu của viêm tai như sưng đỏ tai; đau nhức tai; chảy dịch màu xanh hoặc màu vàng và có mùi hôi; ngứa tai; sưng nề ống tai; sốt; ù tai; nghe kém; cảm giác đầy, nặng tai.
Người bệnh tuyệt đối không tự ý nhỏ các dung dịch, thuốc không rõ nguồn gốc vào tai, không dùng các dụng cụ ngoáy sâu bên trong tai gây trầy xước khiến tình trạng nhiễm trùng nặng thêm.
Các bệnh nhiễm trùng tai nếu không được chữa dứt điểm, tái phát nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như gây thủng màng nhĩ dẫn đến giảm thính lực, thậm chí điếc; nhiễm trùng tai tái đi tái lại; tổn thương xương và sụn tai; nhiễm trùng lan rộng, xâm nhập các mô xung quanh sọ não hoặc gây tổn thương các dây thần kinh; rối loạn tiền đình với các biểu hiện mất cân bằng, chóng mặt; viêm não hoặc viêm màng não…
Đặc biệt, với trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi và tập nói, biến chứng có thể khiến trẻ bị suy giảm thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn, gây chậm phát triển kỹ năng nói, giao tiếp xã hội.
Chuyên gia cũng hướng dẫn cách vệ sinh tai sau khi bơi: nghiêng đầu sang từng bên, kéo dái tai theo các hướng khác nhau để nước chảy ra ngoài; sử dụng bông gòn đặt nhẹ vào ống tai ngoài, để yên trong khoảng 3-5 phút để bông thấm hút hết nước; nhẹ nhàng lau khô bằng các góc của khăn tắm hoặc sử dụng máy sấy tóc ở mức nhiệt thấp nhất hoặc chế độ làm mát để làm khô tai - lưu ý đặt máy sấy cách xa tai tối thiểu 30 cm.
Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, mũi, họng để tránh viêm mũi họng, có thể chuyển thành viêm tai, đặc biệt đối với người có tiền sử viêm tai giữa, viêm xoang, viêm mũi dị ứng…
Nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm
Ngoài viêm tai, người đi bơi ở các bể bơi công cộng còn có nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm. Bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết,nguyên tắc của bể bơi công cộng là phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng nước, nồng độ hóa chất tẩy rửa, yếu tố vật lý như nồng độ, vi sinh.
Mặc dù vậy bể bơi công cộng là nơi tập trung đông người, đôi khi là quá tải nên khó thực thi các tiêu chí về vệ sinh an toàn.
Ngoài ra còn chưa kể đến ý thức giữ vệ sinh chung, việc làm sạch cơ thể trước khi xuống bể bơi của nhiều người con chưa tốt, hoặc thậm chí nhiều người còn thiếu ý thức khi khạc nhổ, tiểu tiện luôn ra bể bơi hay đi bơi khi đang mắc các bệnh ngoài da, bệnh viêm nhiễm. Đó chính là những nguyên nhân gây nên sự rắc rối khi đi bơi.
Cũng theo bác sĩ Đông khi đi bơi tại bể bơi công cộng có thể gặp một vài căn bệnh phổ biến. Đầu tiên, bệnh lý mà hay gặp nhất đó là các bệnh về mắt.
Trên cơ thể, mắt sẽ nhạy cảm hơn nhiều khi phải tiếp xúc với nước chứa hóa chất, vi khuẩn. Từ đó khó chống lại việc bị viêm nhiễm. Nhiều người bơi xong mắt có biểu hiện nhức nhối, khó chịu như đau mắt đỏ, mắt nhức kèm chảy nước mắt.
Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là các bệnh thường gặp, thậm chí đau mắt hột cũng sẽ gặp khi bơi lội ở bể bơi quá đông người, nước không được thay thường xuyên hay khi bơi ở sông suối, ao hồ. Khi gặp căn bệnh này, biểu hiện ban đầu là mắt thấy cộm, ngứa, chảy nước mắt, kích ứng với ánh sáng, sau đó mắt sẽ sưng đỏ, đau và ra nhiều ghèn.
Để phòng các bệnh về mắt nói chung, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương khuyến cáo khi đi bơi nên chọn các bể bơi an toàn. Khi bơi nên sử dụng kính để bảo vệ mắt, vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý sau khi bơi. Những người có bệnh lý viêm nhiễm ở mắt không nên đi bơi vì có thể lây lan cho người khác.
Bệnh ngoài da cũng là bệnh lý hay gặp phải khi đi bơi. Bơi ở những nơi có nguồn nước bị ô nhiễm, có lượng người quá đông, độ vi khuẩn trong nước cao vượt mức cho phép dễ gây ra các phản ứng viêm da, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông… Các biểu hiện có thể xảy ra như ngứa, mọc các nốt sần đỏ.
Đặc biệt, đối với những người có bệnh lý về da như viêm da, nấm da hay trẻ nhỏ mắc bệnh tay chân miệng khi đi bơi ở những nơi công cộng là những nguồn lây truyền và phát tán bệnh.
Ngoài ra khô tóc, sạm da khi đi bơi cũng là vấn đề thường gặp khi nước hồ bơi có chứa hóa chất tiệt trùng. Do vậy, khi đi bơi cần chọn bể bơi có chất lượng đảm bảo, dùng mũ bơi để bảo vệ tóc và da đầu khỏi các hóa chất trong nước.
Khi bơi xong, phải tắm gội thật sạch, có thể dùng thêm các loại kem, dầu gội dưỡng ẩm cho da và tóc. Cần chuẩn bị kem chống nắng, mũ bơi và kính mắt khi đi tắm biển hoặc bể bơi công cộng đề phòng những tổn thương cho da và tóc.
Đồng thời, nấm phụ khoa và các bệnh lây lan qua đường sinh dục khác cũng có thể phát triển do nước quá bẩn hoặc do lây từ người này sang người khác trong môi trường nước bể bơi công cộng.
Một loại bệnh có thể xảy ra nữa là bệnh tai mũi họng. Khi đi bơi nước có thể vào tai, mũi hoặc sặc nước có thể dẫn đến bệnh viêm tai mũi họng do nhiễm khuẩn trong môi trường nước kém vệ sinh.
Cũng có thể mắc hay tái phát lại bệnh viêm mũi dị ứng bởi tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa. Vì vậy sau khi bơi, bạn nên tra rửa mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý.