Mai Trường Giang, đồng sáng lập Chef Station. |
Không thể đứng im nhìn xu hướng
Mô hình “bếp trên mây” (CloudKitchens) được Travis Kalanick, đồng sáng lập Uber xây dựng từ năm 2016, bắt đầu với việc mua lại một công ty bất động sản, sau đó tái thiết cấu trúc hạ tầng và cho thuê không gian bếp.
Có rất nhiều tên gọi cho những căn bếp với mô hình này, như bếp hoa hồng, bếp ảo, bếp trên mây…, nhưng đều có đều chung mục đích là các chủ nhà hàng có thể thuê không gian trong đó để chuẩn bị thức ăn và có thể được giao hàng qua các nền tảng.
Mai Trường Giang cho biết, CloudKitchens đã mở gần 50 bếp tại Singapore. Từ năm 2019, họ có kế hoạch tìm vị trí tại quận 4 (TP.HCM) để mở bếp đầu tiên, nhưng có thể do ảnh hưởng của Covid-19, nên đến nay, kế hoạch này chưa thành hiện thực.
Tại khu vực Đông Nam Á, chỉ riêng ở Indonesia đã có khoảng 20 start-up theo mô hình “bếp trên mây” và một nửa trong số đó đã qua vòng gọi vốn Series A.
Theo Giang, trong 6 mô hình “bếp trên mây”, Chef Station thuộc mô hình xây toàn bộ khu bếp và cho thuê từng gian. Đối tác của Chef Station có thể là chủ nhà hàng, đầu bếp có tay nghề cao, nhưng không đủ vốn để mở cửa hàng riêng.
“Một quỹ đầu tư từ Indonesia đang theo sát chúng tôi để đề nghị đầu tư. Một số quỹ khác cũng đã liên hệ, nhưng chúng tôi chưa cần vốn. Điều này chứng tỏ, ‘bếp trên mây’ sẽ trở thành xu hướng và đã là xu hướng, thì mình không thể đứng một chỗ để nhìn, mà phải tham gia”, Giang chia sẻ.
Nhắm đến khách hàng doanh nghiệp
Lên ý tưởng về mô hình Chef Station từ tháng 5/2020, rồi chọn lựa, mời cổ đông sáng lập và tiến hành xây dựng…, chỉ sau 5 tháng, địa điểm đầu tiên của Chef Station tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã được vận hành.
Ưu điểm nổi trội của “bếp trên mây” mà Grab đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng tại Việt Nam - GrabKitchen - chính là chi phí đầu tư thấp, bởi các chi phí như vận hành, nhân viên giao hàng, thanh toán, giữ xe… đều do Grab thực hiện.
Tuy nhiên, nhược điểm chính của GrabKitchen là các món ăn đều chỉ được phép bán qua Grab. Mai Trường Giang đánh giá, nhược điểm này có thể khiến đối tác không đủ doanh thu, vì bị phụ thuộc vào một kênh bán hàng.
“Một điểm nhức nhối khác là Grab không chia sẻ thông tin khách hàng. Như vậy, càng làm, ta càng phụ thuộc vào họ”, Giang nhấn mạnh. Vì vậy, Giang tự tin, thông qua Chef Station, đội ngũ này sẽ góp phần tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành ẩm thực, mà ở đó, các đầu bếp vừa có thể được làm ra các món mình thích, mà vẫn đáp ứng gu của khách hàng.
Để tạo nên “cuộc cách mạng” này, Chef Station tập trung vào 3 yếu tố.
Thứ nhất, họ sẽ tư vấn cho đối tác nên làm món nào, bày trí, thiết kế ra sao… để phù hợp với kênh bán hàng trực tuyến.
Thứ hai, đưa ra mức giá hợp lý, vì người mua không phải trả phí cho không gian ngồi lại, nhân viên phục vụ, máy lạnh… như cửa hàng truyền thống.
Thứ ba, khi các bếp của Chef Station phủ mọi ngóc ngách của TP.HCM, start-up này sẽ nhắm đến mục tiêu phục vụ khách hàng số lượng lớn tại các công ty, tập đoàn.
Với mức chiết khấu khoảng 15%/doanh thu sau giảm giá cho các bếp tham gia, Giang khẳng định, Chef Station sẽ cùng đối tác kinh doanh hiệu quả, chứ không chỉ cho thuê mặt bằng kiếm lời. Hiện người dùng có thể đặt các món ăn, thức uống được chế biến tại Chef Station thông qua các nền tảng như BaeMin và Now.
Thực tế, các thương hiệu chỉ có một vài cửa hàng thường gặp nhiều khó khăn để được các ứng dụng giao hàng phê duyệt đưa lên nền tảng, chưa kể mức chiết khấu cao. Đây cũng là lý do khiến đội ngũ Chef Station lựa chọn xây dựng công nghệ, nền tảng của riêng mình trong giai đoạn kế tiếp.