Ngân hàng - Bảo hiểm
Maritime Bank chưa “lộ” khả năng lên sàn
Thanh Huyền - 24/05/2017 07:51
Maritime Bank đã có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký chứng khoán tập trung từ lâu, nhưng trong các tờ trình tại Đại hội đồng cổ đông tới đây lại không nhắc tới vấn đề này.
TIN LIÊN QUAN

Chưa “lộ” khả năng niêm yết trên sàn chứng khoán

Ngày 26/5 tới, Ngân hàng Maritime Bank sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.

Theo các tờ trình của Đại hội, HĐQT và Ban Kiểm soát sẽ trình cổ đông tình hình hoạt động năm 2016 và kế hoạch năm 2017, kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2016, chỉ tiêu kinh doanh năm 2017...

.

Đáng chú ý, không có tờ trình nào về việc đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán. Vấn đề đăng ký giao dịch trên UPCoM hoặc niêm yết cổ phiếu của Maritime Bank được nhiều nhà đầu tư quan tâm, bởi lẽ, trong cơ cấu cổ đông của ngân hàng này, các lãnh đạo trong HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Giám đốc nắm tỷ lệ cổ phiếu rất nhỏ.

Đơn cử, gia đình ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Martime Bank hiện sở hữu 1,688% vốn điều lệ của Maritime Bank.

Trước đó, hồi đầu tháng 1/2017, Maritime Bank đã thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD). Tổng số lượng chứng khoán đăng ký là 1,175 tỷ cổ phần, tương đương với vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng. Thời gian chốt danh sách là ngày 20/1/2017.

Tại thời điểm đó, Maritime Bank cũng cho biết, sau thời điểm chốt danh sách cổ đông, Ngân hàng sẽ hoàn tất các thủ tục cần thiết để cổ phiếu MSB đăng ký chứng khoán tập trung tại VSD, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM theo quy định.

Nhiều tín hiệu khả quan

Trong các tài liệu chuẩn bị cho Đại hội, Maritime Bank đã công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2016. Theo đó, kết thúc năm 2016, tổng tài sản của Maritime Bank đạt 92.605,8 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2015. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 34.666,8 tỷ đồng, tăng 26% so với năm ngoái; tiền gửi khách hàng giảm 9%, đạt 57.586,8 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 1.907 tỷ đồng, bằng 2,8 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro trong năm 2016 tăng cao gấp 3,3 lần so với năm trước đó, đạt 1.743 tỷ đồng, kéo lợi nhuận sụt giảm.

Do đó, lợi nhuận sau thuế của Maritime Bank đạt 140 tỷ đồng, tăng gần 21%. Với lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 122 đồng/cổ phiếu, Maritime Bank dự kiến không trả cổ tức năm 2016.

Về huy động vốn, vốn huy động tại thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn là 61.805 tỷ đồng, bằng 94% so với năm 2015. Dư nợ tín dụng của Ngân hàng trong năm 2016 là 54.223 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước.

Đáng chú ý, không có tờ trình nào về việc đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tỷ lệ nợ xấu của Maritime Bank cuối năm 2016 ở mức 2,17%, nằm trong kế hoạch duy trì dưới 3%. Trong năm, Ngân hàng đã sử dụng dự phòng 521 tỷ đồng để xử lý rủi ro, nhận tài sản đảm bảo thay thế nghĩa vụ trả nợ 241,6 tỷ đồng. Bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong năm 2016 là 517,6 tỷ đồng. Bán nợ xấu cho tổ chức, cá nhân khác là 543,1 tỷ đồng. Thu nợ xấu từ khách hàng là 377 tỷ đồng. Thu nhập do thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro 586,7 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2016, Maritime Bank vẫn sở hữu cổ phần của 3 tổ chức tín dụng là MBBank, PGBank và PVcomBank. Trong đó, tỷ lệ sở hữu tại PGBank là trên 5%.

Theo đánh giá của Ban Kiểm soát, năm 2016, Maritime Bank đã vượt qua được tình trạng khó khăn và từng bước ổn định hoạt động, với các tín hiệu tích cực như dư nợ tín dụng tăng trưởng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ, nguồn vốn huy động có dấu hiệu tăng trở lại…

Trong năm 2017, Maritime Bank dự kiến nâng tổng tài sản lên 106.640 tỷ đồng, tương đương tăng 15%. Tăng trưởng dư nợ tín dụng khoảng 14%, vốn huy động từ thị trường 1 và trái phiếu tăng xấp xỉ 17%. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 165 tỷ đồng. Đáng chú ý là tỷ lệ cổ tức 2017 ở mức 5%.

Tin liên quan
Tin khác