Tài chính - Chứng khoán
Masan MEATLife sắp chi hơn 1.600 tỷ đồng để trả cổ tức
Hồng Phúc - 05/12/2021 18:58
Với gần 327 triệu cổ phiếu MML lưu hành, Masan MEATLife sẽ chi hơn 1.602 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 49% (tương đương 4.900 đồng/cổ phiếu).

Công ty cổ phần Masan MEATLife (UPCoM: MML) vừa thông qua Nghị quyết tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền cho cổ đông; tỷ lệ thực hiện là 49% (tương ứng 4.900 đồng/cổ phiếu) và ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 15/12. 

Dự kiến, công ty này sẽ thanh toán tạm ứng tiền cổ tức vào ngày 24/12/2021.

Chốt phiên giao dịch ngày 3/12, thị giá MML giảm 1,46%, xuống 81.000 đồng/cổ phiếu và giảm hơn 16% so với mức đỉnh 96.500 đồng/cổ phiếu hôm 7/10 vừa qua.

Về thay đổi nhân sự, gần đây, Masan MEATLife thông qua việc miễn nhiệm chức Tổng giám đốc với ông Phạm Trung Lâm và bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Trung thay thế.

Đồng thời, công ty còn miễn nhiệm Giám đốc tài chính với bà Nguyễn Minh Hằng (từ ngày 26/11) và bổ nhiệm tân kế toán trưởng với ông Nguyễn Thanh Tùng.

Về hoạt động kinh doanh, Masan MEATLife dự tính mua gần 20,2 triệu cổ phiếu VSN của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan, UPCoM: VSN), theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh với thời gian từ ngày 2/12 đến 31/12/2021.

Ở chiều ngược lại, công ty con của Masan MEATLife là Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO) đăng ký bán sạch cổ phiếu VSN, tương đương 24,94% vốn điều lệ (xấp xỉ 20,2 triệu cổ phiếu). 

Người lao động làm việc tại nhà máy chế biến thịt của Masan MEATLife. (Nguồn: Masan MEATLife).

Ngoài ra, như Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã đưa tin vào giữa tháng 11/2021, De Heus Việt Nam (Hà Lan) công bố thông tin sẽ mua lại toàn bộ mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi MNS Feed (bao gồm 100% Anco và 75,2% Proconco) của Masan Group.

Giá trị thương vụ không được tiết lộ, song với việc mua lại mảng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi của MNS Feed, bao gồm 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi và 1 nhà máy premix, với tổng công suất lên tới gần 4 triệu tấn, De Heus có thể củng cố vị thế của mình trên thị trường thức ăn chăn nuôi lớn nhất Đông Nam Á.

Không chỉ mua lại mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan, De Heus và Masan còn ký thỏa thuận chiến lược, theo đó, De Heus sẽ cung ứng thức ăn chăn nuôi và heo thịt dài hạn cho Masan.

Với cú bắt tay hợp tác này, De Heus và Masan có thể tối ưu hóa và thúc đẩy năng suất của chuỗi giá trị đạm động vật từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F (Feed - Farm - Food) tại Việt Nam trên cơ sở phát huy thế mạnh và kinh nghiệm của mỗi bên.

Thịt heo là mảng lớn nhất trong ngành F&B với thị trường có giá trị hơn 10 tỷ USD, gấp 2,5 lần giá trị thị trường sữa.

Trong cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam, thịt heo chiếm đến 70% nguồn đạm động vật. Tuy nhiên, an toàn thực phẩm hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng.

Theo nghiên cứu của Masan MEATLife, có đến hơn 40% người tiêu dùng lo ngại về nguồn gốc của thịt và 23% người tiêu dùng lo lắng thịt bị nhiễm chất kích thích tăng trưởng. 

Còn theo thống kê của Frost & Sullivan, thịt mát chiếm 25% tổng lượng tiêu thụ thịt heo tại Trung Quốc (2015) và đang tăng nhanh gấp đôi so với thịt nóng.

Masan MEATLife cho rằng xu hướng này sẽ diễn ra tương tự ở Việt Nam và một sản phẩm đột phá, ngon, an toàn với giá cả hợp lý sẽ được người tiêu dùng đón nhận khi mà hiện nay, người Việt phải trả số tiền gấp đôi người Mỹ khi mua thịt tính trên đầu người. 

Tin liên quan
Tin khác