Ảnh minh họa. |
Tăng xuất khẩu ở hầu hết thị trường
Cùng với điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục có đóng góp rất đáng kể vào tổng kim ngạch 336 tỷ USD trong năm 2021 của Việt Nam.
Số liệu thống kê của cơ quan hải quan cho hay, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này năm qua đạt 50,828 tỷ USD, tăng 14,05% so với năm 2020 (tương đương mức tăng thêm 6,25 tỷ USD), chiếm trên 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Kết quả xuất khẩu này đã vượt dự báo mà Bộ Công thương đưa ra hồi quý III/2021, khi cho rằng máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử cả năm 2021 có thể đạt khoảng 50 tỷ USD, tăng trưởng 13,5% so với năm 2020.
Trong bối cảnh vận chuyển hàng hóa đi các thị trường lớn gặp nhiều khó khăn (chi phí logistics tăng hàng chục lần đi Mỹ, EU, thời gian vận chuyển dài, tình trạng hoãn hủy chuyến gia tăng), nhưng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn tăng trưởng ở hầu hết các thị trường chủ lực.
Thị trường Mỹ đang dẫn đầu kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam, chiếm 25% tỷ trọng xuất khẩu. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 11,1 tỷ USD, dù chỉ tăng chưa đầy 1%, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng 21,83% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Điểm nhấn của thị trường lớn thứ 3 là Hồng Kông, tăng trưởng tới 50%, nhờ đó đưa kim ngạch đạt 6,3 tỷ USD, EU đứng thứ 4 với 5,917 tỷ USD, tăng 2,59%, Hàn Quốc đứng thứ 5, đạt 3,492 tỷ USD, tăng trưởng gần 22%.
Bốn thị trường khác có kim ngạch xuất khẩu từ trên 1 tỷ đến xấp xỉ 2 tỷ USD lần lượt là Hà Lan 1,8 tỷ USD, tăng 5,2; Mexico 1,349 tỷ USD, tăng 17,43%; Ba Lan 1,141 tỷ USD, tăng 14,92% và Slovakia 1,044 tỷ USD, tăng 27,66%.
Ngoài ra, còn 1 loạt thị trường có kim ngạch nhập khẩu gần 1 tỷ USD là Nhật Bản (996 tỷ USD), tăng gần 3%, Đài Loan 938 triệu USD, Singapore 924 triệu USD và Ấn Độ 828 triệu USD.
Danh sách các thị trường nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn nối dài, với hàng chục thị trường có mức chi nhập khẩu từ 350 triệu USD đến 750 triệu USD/năm.
Mức độ phân bố xuất khẩu của ngành hàng này được nhận định tương đối tốt, với một loạt thị trường xuất khẩu hàng đầu gồm: Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ, chiếm hơn 88%.
“Phong độ” xuất khẩu của nhóm hàng hóa có đóng góp lớn thứ 2 trong danh mục hơn 50 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam được giữ ở mức khá tích cực trong những năm gần đây.
Mốc 60 tỷ USD không còn xa
Năm 2020-2021, ngành điện tử tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của Covid-19.
Ngành hàng này đã tận dụng tốt cơ hội tăng tốc xuất khẩu trong đại dịch. Theo Bộ Công thương, sản xuất máy tính, linh kiện điện tử ở Việt Nam chủ yếu do các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia chi phối.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ bằng 1/3 tổng số doanh nghiệp công nghiệp điện tử tại Việt Nam, nhưng từ năm 2016 đến năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp này đã chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu và bao phủ 80% nhu cầu thị trường trong nước.
Ở Việt Nam, ngành điện tử đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, một phần lớn nhờ sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu và các đơn hàng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc theo chiến lược “Trung Quốc + 1” (chuyển dịch các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh chi phí lao động đang tăng nhanh tại quốc gia này).
Cùng với sự dịch chuyển các nhà máy đến những địa điểm gần với Trung Quốc, để tận dụng được ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển ở Trung Quốc cũng như hướng vào thị trường tiêu thụ lớn. Với lợi thế tương đối về lao động và vị trí địa kinh tế rất thuận lợi, Việt Nam được hưởng lợi từ quá trình này, là thị trường cung cấp điện tử cho các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU.
Do dịch Covid-19 được kiểm soát có hiệu quả tại Trung Quốc, Đài Loan, đã tạo điều kiện cho các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu, linh kiện cho hàng điện tử hoạt động trở lại, cung cấp cho các nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam vận hành thuận lợi, nên đã giúp Việt Nam đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu.
Ngành sản xuất điện tử vẫn có triển vọng tích cực khi việc chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Chẳng hạn, LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền về Hải Phòng, Apple chuyển dây chuyền sản xuất iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam, hay Panasonic chấm dứt sản xuất máy giặt và tủ lạnh ở Thái Lan để hợp nhất lắp ráp thiết bị tại Việt Nam.
Với vị thế ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục là địa chỉ đặt hàng quan trọng của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong năm 2022 dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh, mốc xuất khẩu 60 tỷ USD không còn xa.