Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của miền Trung?
Vùng duyên hải miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và 4 tỉnh gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận thuộc Vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng khu vực duyên hải miền Trung vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển.
Thứ nhất, vùng này nằm ở trung độ trên các trục giao thông chính Bắc - Nam cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; có ý nghĩa chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây; có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên cũng như Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar trong khu vực ASEAN; là cửa ngõ ra biển của Hành lang Kinh tế Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông và Thái Bình Dương.
Ông Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương |
Với lợi thế địa - kinh tế đó, vùng duyên hải miền Trung có điều kiện thuận lợi hình thành một hành lang thương mại quan trọng nằm giữa các Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, cũng như kết nối giữa khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Thứ hai, đây là khu vực đậm đặc các yếu tố văn hóa, xã hội và lịch sử; phong phú, đa dạng về danh lam thắng cảnh và điều kiện tự nhiên. Trên địa bàn có 4 di sản văn hóa thế giới (Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Phố cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn) được UNESCO công nhận; có nhiều vũng, vịnh, bãi tắm đẹp và các khu bảo tồn thiên nhiên là điều kiện lý tưởng để phát triển ngành du lịch.
Thứ ba, người dân trong khu vực có truyền thống cần cù, sáng tạo; tự lực tự cường, đáng kể nhất là lực lượng lao động ở độ tuổi vàng rất cao. Đây chính là lợi thế lớn để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, miền Trung có lợi thế về biển, các địa phương có thể phát triển kinh tế biển và dựa vào biển để đưa kinh tế bứt phá.
Mặc dù sở hữu rất nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng miền Trung vẫn chưa có những bứt phá rõ rệt. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Trong 10 năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền 9 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung đã tích cực triển khai các chủ trương và chính sách phát triển khu vực này của Đảng và Nhà nước, nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kinh tế các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng đã dần dần thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, nhất là tại vùng núi, vùng bãi ngang ven biển, thích ứng dần với biến đổi khí hậu, thiên tai. Nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp được xây dựng và đi vào hoạt động. Bước đầu, đã hình thành các vùng sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi tập trung, có sản lượng lớn phục vụ sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu. Từng bước hình thành các khu du lịch có chất lượng cao ven biển, khu du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, sự phát triển giữa các địa phương trong từng vùng và trong toàn vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng mong muốn và yêu cầu của Đảng bộ và nhân dân trong vùng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó, bên cạnh các nguyên nhân nội tại do nhận thức, hiệu quả điều hành và triển khai, còn có một số nguyên nhân chung của toàn vùng cần được chỉ rõ.
Trước hết, liên kết vùng còn rất hạn chế. Các thành tựu phát triển đạt được thời gian qua vẫn là kết quả của các nỗ lực rời rạc, đơn lẻ của từng địa phương, chưa xuất phát từ sự liên kết, phối hợp mang tính khu vực; chưa xây dựng được chiến lược phát triển chung cho toàn vùng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Tình trạng đầu tư trùng lặp, thiếu đồng bộ chưa hoàn toàn được khắc phục.
Để khắc phục điều đó, tôi nghĩ, các địa phương cần tăng cường thực hiện các nội dung về liên kết vùng như cùng nghiên cứu để phân bổ lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương trong mối tương quan liên kết chung của vùng; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông trong khu vực; hợp tác trong huy động vốn đầu tư; phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch…
Theo ông, các địa phương miền Trung cần liên kết thế nào để tạo bước phát triển?
Các địa phương cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Trên cơ sở các quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, tập trung các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư vào các chương trình, dự án trọng điểm, cốt lõi, trong đó ưu tiên cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển các chuỗi giá trị liên kết vùng, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực.
Bên cạnh đó, một yếu tố hết sức quan trọng là phát huy vai trò của điều phối vùng, dựa vào điều phối vùng để tạo sự liên kết giữa các địa phương, liên kết liên vùng giữa Vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên để cùng phát triển.