Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư của các địa phương. |
Ông Nguyễn Thạnh Hưng, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư Phú Yên cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến kế hoạch xúc tiến đầu tư đã được chuẩn bị kỹ lưỡng của tỉnh bị phá sản. “Từ đầu năm, chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức xúc tiến đầu tư ở các địa phương là Hà Nội, TP.HCM và cả nước ngoài để tiếp cận các nhà đầu tư. Song Covid-19 đã khiến tất cả phải dừng lại”, ông Hưng chia sẻ.
Không thể tiếp cận được nhà đầu tư, nên thu hút đầu tư trong những tháng đầu năm 2020 của tỉnh Phú Yên không như kỳ vọng. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều địa phương khác trong việc xúc tiến đầu tư, nhất là với những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2020 của 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên chỉ đạt trên 118 triệu USD, với 56 dự án.
Thống kê cho thấy, Đà Nẵng là địa phương thu hút FDI cao nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên từ đầu năm 2020 đến nay. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, Thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư 16.002 tỷ đồng, gấp 6,78 lần về vốn so với cùng kỳ. Về thu hút đầu tư nước ngoài, Thành phố cấp mới được 60 dự án, với tổng vốn đăng ký 119,524 triệu USD.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng chia sẻ, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư của Thành phố. Tuy nhiên, Thành phố đã chuyển sang tổ chức tiếp cận các nhà đầu tư qua hình thức trực tuyến. “Chúng tôi đã tổ chức 2 buổi xúc tiến đầu tư trực tuyến đến các nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu và Đài Loan”, bà Phương thông tin.
Cụ thể, Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư trực tuyến với chủ đề “Đà Nẵng - Thung lũng Silicon khu vực Đông Nam Á”, thu hút được sự tham gia trực tuyến của gần 100 nhà đầu tư, doanh nghiệp tiềm năng tại Hoa Kỳ, châu Âu và Đông Nam Á. Tiếp sau đó, Thành phố đã tổ chức xúc tiến đầu tư trực tuyến vào thị Đài Loan (Trung Quốc).
“Sau 2 hội nghị trực tuyến này, chúng tôi nhận được nhiều email của các doanh nghiệp tìm hiểu thêm thông tin về những lĩnh vực mà Thành phố thu hút đầu tư. Đây là cách hay để tiếp cận nhà đầu tư, quảng bá được tiềm năng và lợi thế của địa phương, không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh, mà cả sau này. Việc tổ chức xúc tiến đầu tư trực tuyến cũng là cách sàng lọc, bởi chỉ những nhà đầu tư thật sự quan tâm mới tham gia buổi xúc tiến đầu tư trực tuyến”, bà Phương nói.
Tỉnh Ninh Thuận cũng thu hút được lượng vốn rất lớn trong những tháng đầu năm 2020. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 6, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư 10 dự án, với tổng vốn 14.393 tỷ đồng. Trong đó, cấp quyết định chủ trương đầu tư 7 dự án, với tổng vốn hơn 13.869 tỷ đồng… Kết quả thu hút đầu tư này thật sự ấn tưởng, bởi Ninh Thuận đã gặp phải “khó khăn kép” khi vừa bị hạn hán gay gắt, vừa bị tác động của Covid-19.
Ông Trương Xuân Vỹ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đã giúp địa phương thu hút được số vốn lớn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Chính sách này cho phép Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi 9,35 UScent/Kwh với công xuất 2.000 MW đến hết năm 2020.
“Trong thời gian này, tỉnh tập trung xúc tiến đầu tư tại chỗ, đó là hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng dự án, đầu tư thêm vào các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, ngoài việc xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời, Tập đoàn Trung Nam đang tiếp tục quan tâm đầu tư vào điện gió ngoài khơi, đô thị ven biển và du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, mở rộng đầu tư là cách hiệu quả để xúc tiến và kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh”, ông Vỹ chia sẻ.