Thế nhưng, từ mảnh đất khô cằn, nắng gió ấy, những “con sếu đầu đàn” đã đến, khai phá tiềm năng và hình thành một hướng đi mới đầy hứa hẹn, giúp miền Trung bứt phá.
Miền Trung thu hút nhiều dự án có quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. |
Khai phá tiềm năng miền Trung nắng gió
Hơn 10 năm trở về trước, nhắc đến Ninh Thuận là nói đến một mảnh đất nghèo “bền vững”, đất đai cằn cỗi, nắng gió khô khốc.
Nhưng một ngày, doanh nhân Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thiên Tân cho biết, ông sẽ đầu tư các nhà máy điện mặt trời “tỷ đô” tại đây. Ý kiến của ông khiến nhiều người giật mình. Thế rồi, chẳng phải “nói cho vui”, ông làm thật, làm hoành tráng.
Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận đầu tiên có công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.248 tỷ đồng, được khởi công xây dựng giai đoạn I tại xã Phước Trung (huyện Bác Ái) vào tháng 7/2019, sau quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý. Đến ngày 10/3/2020, nhà máy đã hoàn thành và đóng điện thành công, chính thức hòa lưới điện quốc gia.
Không dừng lại ở nhà máy này, doanh nhân Huỳnh Kim Lập còn đầu tư giai đoạn tiếp theo của nhà máy để hoàn thành công suất 1.000 MW, sản lượng phát điện dự kiến khoảng 75.000 MWh/năm.
Từ bước “khai phá” của Tập đoàn Thiên Tân, Ninh Thuận đã trở thành mảnh đất “hứa” cho nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo khác. Mới đây, trong tháng 6/2020, Nhà máy Điện mặt trời Phước Ninh (huyện Thuận Nam), công suất 45 MW (Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư), với tổng mức đầu tư dự án hơn 1.000 tỷ đồng, cũng đã chính thức được đưa vào vận hành. Đây là nhà máy điện mặt trời thứ 22 tại Ninh Thuận chính thức hòa lưới điện quốc gia. Dự kiến đến cuối năm nay, sẽ có tổng cộng 31 nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động, bởi 9 nhà máy sắp sửa hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia.
Tại Thừa Thiên Huế, trong những năm qua, do những tác động của biến đổi khí hậu, một vùng ven biển của huyện Phong Điền đã dần trở nên “sa mạc hóa”, khiến người dân không thể sản xuất hoa màu.
Thế rồi, năm 2018, Tập đoàn Thành Thành Công đã đến Thừa Thiên Huế và tiên phong xây dựng nhà máy điện mặt trời tại đây. Tháng 1/2018, Dự án Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền (xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã chính thức được khởi công.
Trải qua gần 1 năm thi công xây dựng, đến ngày 25/9/2018, nhà máy này đã hoàn thành và đi vào hoạt động với công suất 35 MW. Đây là nhà máy điện mặt trời công suất lớn đầu tiên tại Việt Nam khánh thành và đi vào hoạt động.
So với các địa phương khác trên cả nước, Quảng Trị là một địa phương chịu nhiều thua thiệt do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không thuận lợi, mà nổi bật là đặc sản “gió Lào” khô khốc. Tuy nhiên, chính từ những điều bất lợi ấy, Quảng Trị đã được nhà đầu tư chú ý với lĩnh vực năng lượng điện gió. Trong đó, Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu là đơn vị tiên phong trong việc triển khai đầu tư các dự án.
Tính đến nay, tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), Tân Hoàn Cầu đã đầu tư các cụm dự án điện gió quy mô lớn, như Cụm dự án điện gió Hướng Linh (công suất 150 MW); Cụm dự án điện gió Hướng Hiệp (công suất 90 MW) và Cụm dự án điện gió Bãi Dinh (180 MW). Tất cả đều đã đi vào hoạt động giai đoạn đầu và cho kết quả khả quan.
Từ thành công của Tân Hoàn Cầu, nhiều nhà đầu tư bắt đầu nghiên cứu đầu tư và đăng ký dự án. Mới đây, trong tháng 1/2020, tại xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa), Công ty cổ phần Thủy điện Đakrông đã tổ chức lễ động thổ xây dựng 3 nhà máy điện gió Phong Liệu, Phong Nguyên, Phong Huy với tổng công suất gần 150 MW, tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, tính đến nay, tỉnh đã trình bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực 50 dự án điện gió với tổng quy mô công suất 2.522,15 MW.
Cần nhiều “sếu đầu đàn”
Ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thiên Tân Group nêu quan điểm, việc đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời còn khá mới mẻ và bắt đầu phát triển mạnh ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Nếu các dự án được đặt ở vị trí địa lý thích hợp, thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.
- TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế
“Điện mặt trời phải ở những vùng đất không sản xuất được, đất sa mạc hóa thì mới hiệu quả. Việc thủy điện hay điện mặt trời hiệu quả hơn còn phải tuỳ vào thái độ và cách ứng xử của nhà đầu tư đối với công trình. Nói chung, mỗi cái có lợi thế riêng và mình phải biết sử dụng lợi thế đó sao cho hài hòa”, ông Lập phân tích.
Tại một hội nghị liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch từng cho rằng, hiện nay, trong tư duy phát triển kinh tế mới, sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, cảnh quan của địa phương này so với các địa phương khác đôi khi không hẳn là bất lợi, mà có thể là một lợi thế, tiềm năng, nếu nhìn nhận thấu đáo.
“Rõ ràng, những điều kiện tưởng như bất lợi về khí hậu, thổ nhưỡng đã mang lại cơ hội lớn cho các tỉnh miền Trung về thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy vậy, điều quan trọng là các điều kiện ấy phải được khai phá bằng những dự án lớn, làm động lực và là tiền đề để thu hút thêm các nhà đầu tư khác cùng đến”, ông Lịch góp ý.
Quan điểm trên của TS. Trần Du Lịch khá chính xác, nếu quán chiếu theo những diễn biến thu hút đầu tư gần đây của Quảng Trị, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế - các địa phương có thế mạnh và đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Hiện nay, nhìn qua danh mục dự án trọng điểm của các địa phương tại miền Trung, có thể thấy rằng, các địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của các dự án năng lượng tái tạo đối với phát triển kinh tế - xã hội khi lĩnh vực này trở thành một trong những lĩnh vực trọng tâm được các địa phương ưu tiên kêu gọi đầu tư. Thậm chí, các địa phương đã lập sẵn các địa điểm phù hợp để sẵn sàng giới thiệu đến các nhà đầu tư khi có cơ hội.