- Sẽ có 5 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, tầm cỡ khu vực
- Chấm dứt thời kỳ mất mát của doanh nghiệp nhà nước - Bài 1: Doanh nghiệp nhà nước đang nhỏ đi, mờ đi
- Chấm dứt thời kỳ mất mát của doanh nghiệp nhà nước - Bài 2: Chuyện gì đang xảy ra?
- Chấm dứt thời kỳ mất mát của doanh nghiệp nhà nước - Bài 3: Chìa khóa trong tay chủ sở hữu
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chia sẻ với Báo Đầu tư về những điểm mới trong chính sách này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông. |
Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm, mục tiêu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đề xuất các tiêu chí phân loại DNNN lần này?
Với vai trò là cơ quan tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về công tác sắp xếp, đổi mới DNNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, sắp xếp lại hệ thống DNNN tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết 12-NQ/TW để nghiên cứu soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg với 3 quan điểm sau:
Thứ nhất, xác định DNNN chỉ hiện diện trong các lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Thứ hai, tăng cường phân cấp, phân quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quyết định, chịu trách nhiệm và phù hợp với thực tiễn của mỗi ngành, mỗi địa phương gắn với xây dựng các thiết chế, công cụ để thực hiện kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, phát huy vai trò của DNNN quy mô lớn, có thương hiệu, có vai trò mở đường, dẫn dắt trong một số lĩnh vực.
Trên cơ sở đó, chúng tôi dự kiến tiến trình sắp xếp, đổi mới trong giai đoạn tới cần hướng tới việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, cơ bản đảm bảo hoàn tất việc sắp xếp lại khối DNNN đến năm 2025, đưa ra các tiêu chí phân loại tổng thể, nhưng vẫn tính đến các đặc thù riêng của từng ngành, địa phương để tạo khung pháp lý thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2021-2025, đồng thời tạo nguồn thu cổ phần hoá, thoái vốn cho ngân sách nhà nước thực hiện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Quyết định phân loại DNNN lần này đổi mới hơn ở các nội dung gì, thưa Thứ trưởng?
Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg đã thể hiện rõ nét, mạnh mẽ tinh thần phân cấp, phân quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác sắp xếp, đổi mới DNNN. Cụ thể, đối với doanh nghiệp cấp 1 (các công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - con và công ty độc lập), Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt hình thức sắp xếp. Đối với doanh nghiệp cấp 2 (công ty con trong nhóm công ty mẹ - con), thì công ty mẹ được quyền chủ động đưa ra phương án sắp xếp căn cứ vào hiệu quả hoạt động và vai trò của doanh nghiệp.
Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg chỉ ban hành tiêu chí phân loại, không bao gồm danh sách cụ thể DNNN thực hiện sắp xếp nhằm mục tiêu sớm ban hành tiêu chí phân loại DNNN tạo khung pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương rà soát để có định hướng sắp xếp; Kế hoạch sắp xếp lại giai đoạn 2021-2025 dự kiến được ban hành dưới dạng quyết định chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ để tạo thuận lợi trong việc kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn.
Điều này tạo ra sự linh hoạt trong triển khai thực hiện thông qua việc cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ động đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét một số trường hợp liên quan đến thực hiện nhiệm vụ công ích hoặc hoạt động gắn với các địa bàn chiến lược quốc phòng, an ninh hoặc có vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương...
Qua thực tiễn quản lý, chúng tôi thấy, DNNN hoạt động trong các lĩnh vực công viên, cây xanh... tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM chủ yếu mang tính chất phục vụ cộng đồng và nghiên cứu khoa học, khó có khả năng thu hút nhà đầu tư khi cổ phần hóa. Đồng thời, việc xác định giá trị doanh nghiệp trong trường hợp cổ phần hóa cũng không khả thi (do không xác định được giá thị trường đối với các loại động vật, thực vật do doanh nghiệp quản lý). Do vậy, khi thiết kế, xây dựng Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra quy định có tính mở, linh hoạt để cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ động báo cáo.
Việc phân loại DNNN lần này sẽ giúp Nhà nước quản lý tốt hơn và góp phần đẩy nhanh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN như thế nào?
Có thể khẳng định, việc ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg tiếp tục thể hiện mạnh mẽ cam kết của Chính phủ trong tiến trình cải cách khu vực DNNN. Quyết định này được đánh giá là khung pháp lý quan trọng để các cơ quan đại diện chủ sở hữu có căn cứ đề xuất hình thức sắp xếp và là một công cụ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bước tiếp theo của Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg là việc Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch sắp xếp lại DNNN với các doanh nghiệp cấp 1 thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 5 năm tới với kết quả dự kiến sau:
Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ phê duyệt kế hoạch chung gồm gần 500 doanh nghiệp cấp 1 thực hiện theo các hình thức: duy trì là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cổ phần hoá theo tỷ lệ tương ứng (trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và trên 65% vốn điều lệ); thoái vốn; 7 đề án tái cơ cấu của 6 tập đoàn (VNPT, EVN, PVN, TKV, Vinachem, Viettel) và SCIC trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có định hướng sắp xếp các doanh nghiệp cấp 2 của các tập đoàn, tổng công ty này.
Các cơ quan đại diện chủ sở hữu, công ty mẹ sẽ được phân cấp phê duyệt hơn 1.000 doanh nghiệp cấp 2, cấp 3 tại các đề án cơ cấu lại doanh nghiệp.
Như vậy, với việc ban hành và triển khai thực hiện Quyết định 22/2021/QĐ-TTg, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý với DNNN sẽ tiếp tục được nâng cao về việc tiếp tục tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước với DNNN; tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong công tác sắp xếp.