Dọn dẹp không gian sống và sự “bừa bộn” của cảm xúc
Trước tiên, cần làm sạch và sắp xếp gọn gàng không gian sống. Bởi lẽ, sự bừa bộn, bụi bặm khiến năng lượng bị ứ đọng. Phong thủy học cho rằng, năng lượng bị ứ đọng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cảm xúc, mà còn có thể khiến công việc bị trì trệ, các mối bất hòa nảy sinh, cuộc sống bị kìm hãm, bế tắc cả về tinh thần và tài chính.
Lưu ý, những đồ vật bị hỏng cần được sửa chữa hoặc thay thế, những đồ vật không còn sử dụng hay không còn yêu thích cần được loại bỏ hoặc cất vào kho. Nếu không, chúng sẽ khiến nguồn năng lượng trong nhà lưu chuyển chậm và bị ứ đọng, đồng thời làm suy giảm nguồn năng lượng của các thành viên trong gia đình và ngăn cản những nguồn năng lượng mới vào nhà.
Khi nhà cửa sạch đẹp, nội thất là những thứ được yêu thích, được bố trí hợp lý, gọn gàng, được sử dụng thường xuyên và được yêu quý sẽ có nguồn năng lượng vui tươi, rung động mạnh xung quanh, khiến năng lượng trong không gian sống được lưu thông, được tăng cường. Khi “nhân khí” của chủ nhà được phối hợp với “vật khí” của các vật dụng và “cung khí” của các phương vị sẽ tạo ra được chỉnh thể tốt, có tác động tích cực tới cuộc sống của cả gia đình.
Trong đó, cửa chính là một khu vực rất quan trọng, ví như cơ quan hô hấp của cơ thể con người, cần được giữ sạch sẽ và thông thoáng. Nếu khu vực này bừa bộn có thể hạn chế dòng chảy của những cơ hội mới, đồng thời tạo ra những khó khăn trong cuộc sống.
Không chỉ dọn dẹp nhà cửa, mỗi cá nhân cũng nên “dọn dẹp” sự bừa bộn của cảm xúc, của tâm hồn. Theo y học cổ truyền, tình trạng sức khỏe có liên quan đến cảm xúc.
Chẳng hạn, gan bị suy yếu nếu bạn cảm thấy không hạnh phúc và trở nên khỏe mạnh nếu chuyển sang cảm xúc vui vẻ. Tim bị suy yếu nếu bạn tức giận và trở nên khỏe mạnh bởi tình yêu thương và sự tha thứ. Lá lách bị suy yếu nếu bạn lo lắng về tương lai và trở nên khỏe mạnh bởi thái độ tin tưởng vào tương lai.
Do đó, cần hạn chế những cảm xúc tiêu cực, đồng thời duy trì cảm xúc tích cực.
Cửa nhà là nơi đón khí (năng lượng) chính của ngôi nhà, có ảnh hưởng đến tất cả các thành viên trong nhà, nên cần được quan tâm đặc biệt nhằm có sự điều chỉnh phù hợp để tăng cường đón nhận năng lượng tốt, giảm thiểu năng lượng xấu.
Theo trường phái phong thuỷ huyền không phi tinh, năm 2017, sao Nhị hắc (thiên văn học cổ đại gọi là sao Cự môn, thuộc chòm sao Bắc đẩu - một bộ phận của chòm sao Đại hùng) chiếu hướng Tây Bắc. Trong vận 8 (2004 - 2023), Nhị hắc là ngôi sao có năng lượng rất xấu, được xếp vào nhóm “tử khí”, vì vận khí của nó đã qua từ lâu.
Nhị hắc mang hành Thổ, chủ về bệnh tật. Năm nay, Nhị hắc chiếu hướng Tây Bắc, nếu cửa nhà mở hướng này rất dễ mang lại bệnh truyền nhiễm, hoặc khiến sức khỏe của người trong nhà tự nhiên suy yếu, thậm chí gặp phải kiện cáo, thị phi, tai nạn, nhất là đối với người mệnh Nhị hắc (nam sinh năm 1953, 1962, 1971, 1980, 1989, 1997…; nữ sinh năm 1951, 1960, 1969, 1978, 1987, 1996…).
Để giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi của sao Nhị hắc, cần hạn chế mở cửa, hạn chế gây tiếng động mạnh ở khu vực Tây Bắc. Đồng thời, sử dụng cửa kim loại, hoặc sơn màu trắng, hay sử dụng vật phẩm phong thủy bằng kim loại.
Bên cạnh đó, cần luôn giữ cho cửa nhà sạch sẽ, sáng sủa, bởi tạp vật, bụi bặm mang năng lượng Thổ. Ngoài ra, tránh sử dụng các vật bằng sành sứ, hoặc có màu vàng, màu đỏ. Nếu đèn điện đang dùng có ánh sáng vàng hoặc đỏ thì nên chuyển sang loại đèn có ánh sáng trắng.
Một ngôi sao khác mang năng lượng Thổ và có tác động tiêu cực trong năm 2017 là sao Ngũ hoàng (thiên văn học cổ đại gọi là sao Liêm trinh, thuộc chòm sao Bắc đẩu). Năm nay, ngôi sao này chiếu hướng Nam, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tài chính, thậm chí mang lại tai họa, nhất là đối với người mệnh Ngũ hoàng (nam sinh năm 1959, 1968, 1977, 1986, 1995…; nữ sinh năm 1957, 1966, 1975, 1984, 1993…).
Cách hóa giải sát khí của sao Ngũ hoàng tương tự như hóa giải khí xấu của sao Nhị hắc, đó là lấy Kim để tiết chế Thổ. Đây được coi là cách “con gọi mẹ về”, là cách hóa giải an toàn và hiệu quả, vì Thổ sinh Kim, năng lượng Thổ sẽ bị tiêu hao.
Nếu khu vực phía Nam, hay phía Tây Bắc của ngôi nhà không được sáng sủa, thì nên treo một ngọn đèn có ánh sáng trắng, bật suốt ngày đêm, gọi là “trường minh đăng”, vừa hóa giải Ngũ hoàng, Nhị hắc, vừa làm tăng dương khí, giúp trạch vận (vận nhà) được cải thiện. Khi bước vào nhà, con người được trường minh đăng chiếu rọi, vận khí cũng sẽ thuận lợi hơn.
Ngoài hai ngôi sao trên, hai ngôi sao khác thuộc nhóm “tứ đại hung tinh” là Thất xích - mang năng lượng Kim, chủ về tai nạn, trộm cướp, phẫu thuật và Tam bích - mang năng lượng Mộc, chủ về khẩu thiệt, thị phi. Năm 2017, sao Thất xích chiếu hướng Tây Nam, sao Tam bích chiếu hướng Tây.
Cách hóa giải năng lượng xấu của sao Thất xích là sử dụng Thủy; cách hóa giải năng lượng xấu của sao Tam bích là sử dụng Hỏa.
Các hướng còn lại, về cơ bản, được các sao mang năng lượng tốt chiếu đến. Trong đó, sao Bát bạch - mang năng lượng Thổ, chủ về tài vận, chiếu hướng Đông, nên bổ sung năng lượng Thổ hoặc Hỏa nơi đây. Bát bạch là ngôi sao tốt nhất trong 9 ngôi sao trong vận 8, những người được hưởng lợi nhiều nhất từ ngôi sao này là nam sinh năm 1956, 1965, 1974, 1983, 1992…; nữ sinh năm 1957, 1966, 1975, 1984, 1993…
Ngôi sao tốt thứ hai là Cửu tử - mang năng lượng Hỏa, chủ về may mắn, chiếu hướng Đông Nam, nên bổ sung năng lượng Hỏa nơi đây.
Ngôi sao tốt thứ ba là Nhất bạch - mang năng lượng Thủy, chiếu vào khu vực giữa nhà, nên bổ sung năng lượng Thủy nơi đây, đồng thời tránh sử dụng năng lượng Hỏa.
Lưu ý, cách hóa giải năng lượng xấu, kích hoạt năng lượng tốt của các sao chủ yếu dựa trên nguyên lý ngũ hành sinh, khắc, nhưng cần thiết phải xem thêm hướng nhà cụ thể, hình dáng bên ngoài và cấu trúc, màu sắc bên trong ngôi nhà, cũng như bát tự (ngày tháng năm sinh) của chủ nhà để lựa chọn giải pháp thực sự mang lại hiệu quả.
Mặt khác, các hung tinh có thể không gây ra nhiều tác hại nếu “cát hung quy vị”, tức các khu chức năng trong nhà được bố trí ở các vị trí phù hợp. Chẳng hạn, cửa chính, phòng ngủ, nhà bếp nằm ở phương sinh khí, vượng khí, còn nhà vệ sinh, nhà kho đặt tại phương thoái khí, tử khí.
Trong “Tam nguyên, Cửu vận”, các sao đều có các thời điểm vượng, suy, sinh, tử khác nhau: đương vận là vượng, vận tương lai là sinh, vận vừa qua là suy, vận đã qua lâu là tử.
Hiện tại đang là Hạ nguyên, Bát vận (vận 8), sao Bát bạch là sao vượng, sao Cửu tử và Nhất bạch là sao sinh, sao Thất xích là sao suy, các sao còn lại nhìn chung có năng lượng xấu (một số sao “trong hung có cát”).
Nguyên lý của ngũ hành là “xương sống” của phong thủy. 5 thành tố vật lý trong tự nhiên: nước, lửa, gỗ, kim loại, đất, tượng trưng cho những hình thái khác nhau của khí (năng lượng), lần lượt là Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ.
Nói cách khác, xét về chất liệu thì Thuỷ là nước, Hoả là lửa, Mộc là gỗ, Kim là kim loại, Thổ là đất.
Xét về màu sắc thì hành Thuỷ màu đen, xám, xanh dương; hành Hoả màu đỏ, hồng, tím; hành Mộc màu xanh; hành Kim màu trắng; hành Thổ màu vàng.
Xét về hình dáng thì mềm mại, uốn lượn, hình cơ bản là hình sin, thể hiện tính Thuỷ. Khấp khểnh, gập gềnh, góc cạnh, sắc nhọn, hình cơ bản là hình tam giác, hình bình hành, hình thoi, hình đa giác, thể hiện tính Hoả. Cao, gầy, thẳng, đứng, hình cơ bản là hình chữ nhật đứng, thể hiện tính Mộc. Tròn, đầy đặn, hình cơ bản là tròn, elip, vòng cung, thể hiện tính Kim. Vuông phẳng, đầy đặn, khối hộp, hình cơ bản là hình vuông, hình chữ nhật nằm ngang, thể hiện tính Thổ.
Năm yếu tố ngũ hành nêu trên vận động theo 3 quy luật cơ bản là quy luật tương sinh (cùng nhau thúc đẩy, bồi đắp để sinh trưởng), quy luật tương khắc (kiềm chế, huỷ hoại) và quy luật chế hoá (làm giảm sức mạnh của hành khắc chế và phục hồi sự cân bằng của các hành có liên quan).
Cụ thể: Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim; Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả, Hoả khắc Kim; Thuỷ làm giảm năng lượng của Kim, Mộc làm giảm năng lượng của Thuỷ, Hoả làm giảm năng lượng của Mộc, Thổ làm giảm năng lượng của Hoả, Kim làm giảm năng lượng của Thổ.
Áp dụng các nguyên lý và quy luật của ngũ hành sẽ có tác dụng tương hỗ, chế ngự, hoá giải hoặc thúc đẩy năng lượng tốt/xấu trong không gian sống, cũng như cuộc sống con người.