Nhà máy thông minh là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cho thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh |
Trao quyền tự chủ cho bộ máy quản lý
Dự thảo Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã chính thức được đệ trình lên Chính phủ. Một trong những nội dung quan trọng được đề xuất là tổ chức, bộ máy của NIC sẽ được xây dựng theo hướng là một đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng hoạt động như một doanh nghiệp, hoàn toàn tự chủ về tài chính, được thu - chi theo cơ chế thị trường, được nhận tài trợ trong và ngoài nước, tự chủ về nhiệm vụ và hoạt động, tự chủ về tổ chức bộ máy và tự chủ trong tuyển dụng nhân tài trong và ngoài nước về làm việc…
Trên thực tế, ngay từ khi kế hoạch xây dựng NIC được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần đầu tiên giới thiệu ra công luận vào cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh, NIC dự kiến hoạt động theo mô hình có một hội đồng quản lý, trong đó có đại diện của Nhà nước, nhưng việc điều hành do phía tư nhân thực hiện. Tất cả để đảm bảo tính linh hoạt và chủ động cần thiết cho bộ máy quản lý, nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động của NIC.
Khi đó, đề xuất này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các chuyên gia và các bộ, ngành. Theo đại diện các đơn vị này, mô hình tổ chức của NIC như thế nào có vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công của Trung tâm.
Điều quan trọng là, mặc dù NIC sẽ được tự chủ hoạt động như một doanh nghiệp, song vẫn có một hội đồng cấp cao chịu trách nhiệm “bảo trợ” cho Trung tâm. Hội đồng Cấp cao sẽ đề ra chính sách, định hướng phát triển của Trung tâm... Quan trọng hơn, Thủ tướng Chính phủ sẽ là Chủ tịch danh dự của Hội đồng Cấp cao. Các bộ trưởng và lãnh đạo một số bộ sẽ “ngồi ghế” phó chủ tịch. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký của Hội đồng Cấp cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ là cơ quan thường trực của Hội đồng Cấp cao.
Điều này, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là để tạo niềm tin cho nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư nói chung, các start-up, thậm chí là cả các nhà khoa học.
“Các trung tâm đổi mới sáng tạo ở Singapore thành công là vì có Chính phủ đứng đằng sau”, ông Michael Tan, Giám đốc điều hành BCG (Boston Consulting Group) Singapore cho biết.
Với tư cách là đơn vị tư vấn, BCG cũng đã đề xuất tới 6 tiêu chí quan trọng nhằm đảm bảo có một mô hình quản trị để xây dựng và quản lý NIC một cách hiệu quả và mang tính cạnh tranh. Đó là quy trình ra quyết định nhanh và hiệu quả; có sự linh hoạt trong các nguồn vốn và tốc độ cấp vốn; có khả năng tuyển dụng và chế độ đãi ngộ mang tính cạnh tranh; có khả năng tiến hành kinh doanh bất động sản; chịu ảnh hưởng của Chính phủ lên định hướng chiến lược và có quyền tiếp cận các ưu đãi của Chính phủ.
Ngoài việc trao quyền tự chủ, thì một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành - bại của NIC là vai trò người đứng đầu. Thông tin cho biết, vị trí này sẽ được dành cho người tài, có tầm nhìn và sẽ được đi thuê, được trả lương “đủ cạnh tranh ở tầm quốc tế”.
Trao các thể chế vượt trội
Đúng như ông Michael Tan đã nói, cần có sự đứng sau của Chính phủ thì mới đảm bảo sự thành công cho các trung tâm đổi mới quốc gia. Ở đây, sự “đứng sau” đó còn được hiểu là các thể chế, chính sách ưu đãi, vượt trội mà Chính phủ sẵn sàng dành cho NIC.
Ban giám đốc của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia dự kiến bao gồm Tổng giám đốc và các giám đốc phụ trách các bộ phận chức năng. Tổng giám đốc được lựa chọn từ các chuyên gia quản trị hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ trong và ngoài nước. Hội đồng Quản lý lựa chọn và ký hợp đồng thuê Tổng giám đốc với sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trung tâm có Quỹ Hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia. Quỹ không sử dụng ngân sách nhà nước. Quỹ được thành lập để quản lý các nguồn viện trợ chính thức và viện trợ phi chính phủ, tài trợ, cho tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ cho hoạt động của Trung tâm. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định việc thành lập Quỹ và Quy chế hoạt động của Quỹ.
Trong Dự thảo Đề án thành lập NIC, hàng loạt cơ chế, chính sách đã được đề xuất. Chẳng hạn, NIC và Quỹ Hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ được giao đất không thu tiền sử dụng đất trong tối đa 50 năm, được miễn toàn bộ chi phí liên quan đến đất; không phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án; được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án…
Trong khi đó, các ưu đãi và khuyến khích đối với doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động trong Trung tâm được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp, được thực hiện các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ theo một cơ chế ưu tiên (fast-track)… Còn các doanh nghiệp, ngoài được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, còn được miễn thuế nhập khẩu cho các hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)…
Không kém phần quan trọng, các doanh nghiệp không cần phải ghi ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này cũng sẽ được nhận góp vốn, mua cổ phần của quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài khác, mà không bị giới hạn mức góp vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài…
Ông Nguyễn Đình Cung kỳ vọng, với các thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội này, “tiền sẽ về, nhân tài sẽ về” và đó là yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự thành công của NIC.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, phải trao thể chế, chính sách vượt trội cho NIC. Hiện người đứng đầu Chính phủ rất kỳ vọng vào sự thành công của NIC, chìa khóa quan trọng để Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về 4.0.
Tuy nhiên, thể chế, chính sách này đã thực sự đủ mạnh? Đó là điều cần tiếp tục phải bàn thảo.