Giữa tháng 7 vừa qua, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu, có giải pháp triển khai thành lập Sàn Giao dịch xăng dầu. Mục tiêu là thực hiện minh bạch trong hoạt động kinh doanh, công khai thông tin về giá cả, giảm độc quyền, đảm bảo cơ chế định giá linh hoạt, cải thiện phân phối, lưu thông...
Thực tế, mô hình Sàn Giao dịch xăng dầu từng được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra trong các lần sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu trước đây. Theo lý giải, dù vẫn còn độc quyền nhà nước, nhưng về cơ bản, thị trường xăng dầu Việt Nam đã có sự tham gia của khu vực tư nhân, cụ thể là trong bán lẻ. Nghị định 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã cho phép một doanh nghiệp bán lẻ có thể mua được hàng từ nhiều đầu mối. Hiện có kiến nghị cho phép doanh nghiệp phân phối, thương nhân đầu mối được mua hàng của nhau theo đúng nguyên tắc thị trường.
Đây được cho là những tiền đề quan trọng cho việc hình thành Sàn Giao dịch xăng dầu ở Việt Nam. Mặc dù vậy, những băn khoăn về việc triển khai cũng như tính hiệu quả của mô hình này là không nhỏ.
Trước hết là thách thức chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Việc lập Sàn Giao dịch xăng dầu đi kèm với các yêu cầu đầu tư hạ tầng, công nghệ và nhân lực.
Thứ hai là cần cơ chế quản lý và giám sát nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của Sàn, tránh tình trạng thao túng thị trường.
Thứ ba là rủi ro về biến động liên tục, thậm chí khó lường của thị trường do kinh doanh xăng dầu rất nhạy cảm với biến động của giá cả. Do vậy, hoạt động của Sàn cũng phải tương thích với các quy định của quốc tế.
Còn không ít câu hỏi khác không dễ trả lời, như vai trò của Nhà nước trong thị trường xăng dầu thế nào để vừa đảm bảo nguyên tắc thị trường, tạo dư địa cho các doanh nghiệp kinh doanh, cạnh tranh sòng phẳng, vừa thực hiện được trách nhiệm bình ổn thị trường đặc biệt này. Hay câu hỏi sẽ xây dựng Sàn Giao dịch xăng dầu riêng hay tổ chức niêm yết trên sở giao dịch hàng hóa như một số nước đang làm?...
Bàn về tính hiệu quả của mô hình Sàn Giao dịch xăng dầu, có đại biểu Quốc hội thẳng thắn cho rằng, Sàn hoạt động thành công hay không phụ thuộc lớn vào việc có cho phép các nhà phân phối được mua bán tự do hay không; nếu cơ quan quản lý vẫn ấn định giá, giới hạn phạm vi mua bán, thì việc lập Sàn Giao dịch xăng dầu là vô nghĩa.
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng lúng túng trong tìm kiếm mô hình phù hợp cho sàn giao dịch xăng dầu. Thế giới hiện có 2 sàn giao dịch xăng dầu được cho là hoạt động khá thành công, gồm Sàn Giao dịch Chicago (Mỹ) cho thị trường dầu thô WTI và Sàn Giao dịch London cho dầu thô Brent. Hai sàn này thành công là bởi đã tạo ra được sân chơi đủ lớn, có khối lượng xăng dầu đủ lớn, có người mua, người bán…
Tại Việt Nam, việc giao dịch các sản phẩm như dầu thô, khí tự nhiên từng được cho phép thực hiện thí điểm tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2024. Tuy nhiên, lãnh đạo MXV thừa nhận, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vì chính sách chưa ổn định, quyết định cho phép giao dịch thí điểm trên MXV chỉ theo từng năm, có nghĩa hết hạn thì phải xin gia hạn.
Việc thí điểm đã dừng từ ngày 27/5/2024 với lý do, Bộ Công thương đang sửa lại Nghị định 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và sửa Nghị định 158/2026/NĐ-CP, Nghị định 151/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. Giải pháp được đề xuất là tiếp tục cho phép giao dịch các mặt hàng năng lượng, xăng dầu tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam như trước để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp, có thể liên thông thêm mặt hàng như xăng E5 RON 92, RON95… Đây cũng là cơ sở cho đề xuất nghiên cứu, xem xét thành lập Sàn Giao dịch xăng dầu phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Rõ ràng, việc thành lập Sàn Giao dịch xăng dầu là cần thiết, song để quản lý, vận hành hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu đặt ra, thì phải có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Việc này cần có sự đồng thuận, quyết tâm của Chính phủ cùng các cơ quan liên quan.