Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước tại Hội thảo lấy ý kiến lập Sàn giao dịch xăng dầu. |
Chiều 30/7, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp về việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu.
Cần nghiên cứu kỹ
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết: "Tại Việt Nam, việc giao dịch các sản phẩm như dầu thô, khí tự nhiên được Bộ Công thương cho phép giao dịch thí điểm tại MXV từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2024".
Quá trình giao dịch thí điểm giai đoạn này diễn ra an toàn, ổn định, không phát sinh sự cố, bước đầu thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, là kênh cung cấp thông tin quan trọng đến các cơ quan quản lý, cơ quan thông tấn báo chí.
Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia giao dịch vì chính sách chưa ổn định.
Quyết định cho phép giao dịch thí điểm theo từng năm, hết phải gia hạn. Việc thí điểm giao dịch xăng dầu qua MXV đã dừng từ ngày 27/5/2024.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chưa có chính sách về chế độ hạch toán, kế toán cho các doanh nghiệp tham gia giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hoá nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói riêng.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng, việc lập Sàn giao dịch xăng dầu cần phải xem xét đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện. Bởi hiện nay, chiếm cao nhất trong giá thành xăng dầu, lên đến 65% là giá thế giới, còn lại là thuế phí. Trong khi đó, cả nước chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất xăng dầu, còn lại là nhập khẩu.
"Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tính cần thiết của Sàn giao dịch xăng dầu cũng là ý kiến được các Chuyên gia Kinh tế, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) nêu tại Tọa đàm: "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cùng ngày.
Chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long cho hay: "Năm 2020 Bộ Tài chính đã cho phép Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam được niêm yết thí điểm về các mặt hàng dầu thô, năng lượng để bảo hiểm giá và đầu tư. Việc thí điểm này cho thấy sự sức thận trọng của Chính phủ, trên cơ sở thí điểm sẽ rút kinh nghiệm sau đó mới triển khai đại trà".
Mới đây, Bộ Công thương đã cho dừng việc thí điểm này với lý do sửa lại Nghị định 83 kinh doanh xăng dầu và sửa Nghị định 158, Nghị định 151 về Sở giao dịch hàng hóa.
"Với câu hỏi, Việt Nam có cần thành lập Sàn giao dịch cho mặt hàng xăng dầu hay không, quan điểm cá nhân tôi nếu chúng ta thành lập được Sàn giao dịch xăng dầu thì rất tốt và cần thiết vì Sàn giao dịch xăng dầu có nhiều lợi ích", ông Long nói.
Đó là tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro; tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền tham gia; thúc đẩy sự cạnh tranh đối với các sàn giao dịch....
Đối với Việt Nam nếu có sự giao dịch xăng dầu trên Sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu hoạt động một cách công khai, minh bạch. Cùng với đó sẽ giảm độc quyền.
Nhưng đi cùng đó là không ít thách thức, đầu tiên là chi phí ban đầu rất lớn. Ông Long dẫn chứng: "Việc lập Sàn giao dịch yêu cầu phải có khoản đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, về công nghệ và nhân lực, đây là một thách thức rất lớn cho nền kinh tế nếu chúng ta không có kế hoạch quản lý một cách hiệu quả".
Thách thức thứ hai là công tác quản lý và giám sát; khả năng tham gia của các đối tượng; rủi ro về mặt thị trường do xăng dầu rất nhạy cảm với sự biến động của giá cả. Cuối cùng, khi xây dựng Sàn giao dịch xăng dầu phải tương thích với các quy định của quốc tế.
Do đó, ông Long nói, phải nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình, phương thức hoạt động kinh doanh cũng như phương thức vận hành của Sàn này. Đồng thời Chuyên gia này đề xuất: "Trước mắt, nên cho phép giao dịch lưu thông các mặt hàng năng lượng tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam như trước kia để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp".
Trong khi đó, hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch xăng dầu nếu được lập cũng khiến các doanh nghiệp băn khoăn.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): "Hiện, thế giới chỉ có 2 Sàn giao dịch xăng dầu tiêu biểu thành công là Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) cho thị trường dầu thô WTI và Sàn giao dịch London cho dầu thô Brent. Hai sàn này thành công là do tạo ra được một “sân chơi” đủ lớn, có khối lượng xăng dầu đủ lớn, có người mua, người bán…".
Nhưng, ngay cả Trung Quốc, thị trường xăng dầu lớn thứ 2 thế giới trước đây cũng đã muốn thành lập một sàn như vậy, nhưng không thành công.
“Vậy nếu Việt Nam thành lập Sàn giao dịch xăng dầu thì có hoạt động độc lập được với các sàn của thế giới không? Tôi nghĩ là không vì dù Việt Nam là nước có xuất khẩu dầu thô, có nhà máy lọc dầu nhưng vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn dầu thô về để lọc và đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Tức là giá trong nước không thể độc lập, không thể không ảnh hưởng bởi giá thế giới”, ông Hùng nói.
Chia sẻ thêm, đại diện Petrolimex cho biết: "Hiện cơ chế ảnh hưởng lớn nhất là nhà nước vẫn đang điều hành giá xăng dầu. Chừng nào Nhà nước còn điều hành giá xăng dầu thì việc giao dịch trên sàn sẽ khó khăn. Ví dụ hôm nay giá dầu thô xuống mạnh, nếu giao dịch trên sàn, thì giá trên sàn sẽ cao hơn giá thị trường và doanh nghiệp phải chờ đến kỳ điều hành tiếp theo mới được điều chỉnh giá. Do đó, việc giao dịch sẽ khó khăn”.
Chủ tịch Vinpa, ông Bùi Ngọc Bảo nêu quan điểm: "Nếu xây dựng các sàn như sàn giao dịch ở Singapore, New York, Mỹ, sàn giao dịch ở EU thì rõ ràng đây là các sàn giao dịch yêu cầu tính liên thông rất cao độ, cũng không khác gì sàn giao dịch vàng bạc. Các sản phẩm ở đó đều phải liên thông, chứ chúng ta không thể xây dựng sàn và có chỉ số giá riêng của xăng dầu được".
"Thời gian qua, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã có một bước tiến nhất định thông qua sắt, thép và những hàng hóa khác. Bên Mỹ có việc sàn giao dịch hàng hóa quy định ở Chicago, sàn dầu ở Newyork… Nhưng chúng ta hoàn toàn có bước thử nghiệm tiếp tục cho MXV có thêm hàng hóa nữa là xăng dầu và có thể liên thông thêm mặt hàng như xăng 92, 95 để tiếp tục xem thực thi như nào trong một thời gian", ông Bảo đề xuất.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương.