Ngân hàng - Bảo hiểm
Moca - "Con bài chiến lược" của Grab?
Hữu Tuấn - 01/11/2018 22:18
Gấp rút để người dùng chuyển sang sử dụng ví điện tử Moca, chỉ 2 tháng sau khi mua lại 3,5% cổ phần của Access Venture Capital tại Moca – Grab dường như đang có rất nhiều tính toán với con bài mang tính chiến lược này.

Việc Grab kiên quyết tiến hành chuyển đổi hệ thống thanh toán từ GrabPay Credits sang GrabPay by Moca ngay giữa tâm bão của vụ kiện Vinasun cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi, nhất là khi số lượng người dùng bức xúc vì bị “ép chuyển” hoặc bị phong tỏa tài khoản GrabPay, thậm chí bị mất tiền, không hề nhỏ.

Nước cờ cao tay

Trong bức thư xin lỗi người dùng mà Grab phải tức tốc phát đi vào cuối tuần trước, hãng này giải thích rằng việc triển khai phương thức thanh toán GrabPay by Moca nhằm “tuân thủ các quy định pháp luật chặt chẽ về ví điện tử”.

Điều này khiến nhiều người nhận thư thắc mắc, bởi vậy thì GrabPay Credits là gì, khi mà nó hoạt động không khác gì một ví điện tử của riêng Grab?

Grab Việt Nam vừa chính thức gửi lời xin lỗi đến người dùng vì những bất tiện đã gây ra cho khách hàng trong quá trình chuyển đổi từ tài khoản GrabPay Credits sang ví điện tử mới GrabPay by Moca.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước chỉ mới cấp phép trung gian thanh toán cho 27 doanh nghiệp nội địa (tính đến hết tháng 3/2018). Chưa có một doanh nghiệp nước ngoài nào được cấp phép trung gian thanh toán tại Việt Nam, một lĩnh vực được coi là “nhạy cảm” và “ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia”.

Vì thế, hiển nhiên là GrabPay Credits, dù hình hài y hệt như một ví điện tử, không có giấy phép trung gian thanh toán để được hoạt động đường đường chính chính tại Việt Nam. Đơn vị vận hành GrabPay Credits trước đây cũng không phải là một đối tác trong nước, bởi khi người dùng nạp tiền (top up) vào ví trước đây, họ sẽ nhận được email xác nhận nạp tiền thành công từ …. MOL Singapore, một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Singapore.

Việc Grab mua cổ phần tại Moca được cho là để nhanh chóng “vá lại” lỗ hổng pháp lý cho sự tồn tại của GrabPay. Trên giấy tờ, dù chỉ mua lại 3,5% cổ phần nhưng cùng lúc, Grab lại có tới 2 lãnh đạo góp mặt trong Hội đồng quản trị của Moca, quyết định đường hướng hoạt động của ví điện tử này.

Moca là 1 trong 27 doanh nghiệp đã được cấp phép trung gian thanh toán, vì thế, GrabPay by Moca giờ đây đã được “chính danh” hơn hẳn so với thời GrabPay Credits. Tuy nhiên, dư luận có quyền nêu câu hỏi: Đây chỉ là một thương vụ hợp tác đơn thuần, hay sâu xa hơn, là một sự “cậy nhờ” giấy phép trung gian thanh toán của doanh nghiệp nội, khi mà việc một doanh nghiệp xuyên biên giới như Grab không thể ra mặt xin cấp phép từ Ngân hàng Nhà nước?

Chiêu bài thâu tóm trung gian thanh toán nội để có thể đường hoàng chen chân vào thị trường thanh toán – fintech Việt Nam được nhiều ông lớn nước ngoài khác, cùng với Grab, áp dụng triệt để trong thời gian qua. Lấy thí dụ, MOL Malaysia (Tập đoàn mẹ của MOL Singapore) sở hữu 50% cổ phần Ngân Lượng.vn, đối tác Hàn Quốc sở hữu 65% cổ phần tại VNPT EPay. Cá biệt, Ascend Money của Thái Lan còn sở hữu tới 90% cổ phần của 1Pay, sau đó triển khai dịch vụ ví điện tử TrueMoney tại Việt Nam. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cổ đông lớn của Ascend Money chính là Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc).

Tất cả những động thái thâu tóm, sáp nhập này đều diễn ra trong bối cảnh hành lang pháp lý Việt Nam chưa quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán, dù rằng đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/CP về thanh toán không dùng tiền mặt, với 2 hướng đề xuất: 1. Không quy định mà thả trôi tỷ lệ này và 2. Giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài để đảm bảo an ninh tiền tệ. Mức tỷ lệ đề xuất đang được lấy ý kiến trong ngưỡng 30% (như với các ngân hàng thương mại cổ phần) và 49% (như các ngành nghề kinh doanh công nghệ, Internet có điều kiện).

Tham vọng lớn

Nếu thực sự thâu tóm và nằm quyền kiểm soát tại Moca, đồng nghĩa với việc Grab đã bổ sung xong xương sống còn thiếu trong hệ sinh thái dịch vụ của mình, đó là thanh toán.

Với tiềm lực tài chính hùng hậu của mình, Grab dễ dàng tung ra các chương trình khuyến mại khủng để lôi kéo người dùng đăng ký, chuyển đổi và sử dụng GrabPay by Moca, bỏ qua các bức xúc hiện tại. Đây là chiêu bài mà hãng từng áp dụng rất thành công trong giai đoạn cạnh tranh với Uber, dù sau khi thâu tóm được Uber thì những khuyến mại này cũng không cánh mà bay.

Độ phủ rộng của Grab đảm bảo cho GrabPay by Moca một nền tảng khách hàng lớn. Có công cụ thanh toán trong tay, Grab sẽ yên tâm mở rộng sang các dịch vụ vệ tinh như giao đồ ăn GrabFood, hay thậm chí sau này là các dịch vụ tài chính cá nhân kiểu cho vay, thu hộ, chi hộ.

Thậm chí cách đây ít lâu, Grab từng đề xuất với Chính phủ Việt Nam cho triển khai dịch vụ thanh toán không cần kết nối qua ngân hàng nội địa. Mô hình này giống như những gì Grab Financial – công ty tài chính của Grab, đang hợp tác với Mastercard để phát hành thẻ trả trước không cần tài khoản ngân hàng tại Singapore. Grab cho biết người dùng không cần tài khoản ngân hàng vì thanh toán được thực hiện với bất kỳ ai trong số 8 triệu đối tác của Grab: từ tài xế, đại lý và người bán hàng trên nền tảng GrabPay. Được biết, Grab Financial có chức năng cho vay tín dụng đối với cá nhân và doanh nghiệp.

Nếu được phê duyệt, khi đó GrabPay by Moca sẽ chẳng cần phải liên kết với bất cứ ngân hàng Việt Nam nào: Dòng tiền sẽ tự do luân chuyển giữa các dịch vụ của Grab, thậm chí là xuyên biên giới trên toàn phạm vi Đông Nam Á. Và hệ lụy là việc xem xét doanh thu, lợi nhuận, tính thuế cho doanh nghiệp này càng khó khăn hơn (hiện Grab vẫn luôn báo lỗ từ hoạt động vận hành xe của mình).

Bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý trong vụ Grab, vì thế, sẽ không chỉ dừng lại ở câu chuyện của Bộ Giao thông Vận tải coi Grab là doanh nghiệp vận tải hay doanh nghiệp công nghệ. Thực tiễn hoạt động của GrabPay by Moca cũng sẽ cần sự lưu tâm của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong vấn đề sở hữu nước ngoài và trung gian thanh toán để đảm bảo không có sự “lách luật”, “mua giấy phép”, “mất kiểm soát dòng tiền chảy thẳng ra nước ngoài”.

Tin liên quan
Tin khác