Mức hoa hồng thuộc top cao nhất thế giới
Theo CNN, trong nhiều thập kỷ qua, người Mỹ luôn trả mức hoa hồng tiêu chuẩn khoảng 6% với các giao dịch bất động sản. Khoản phí này sẽ được chia đều cho bên môi giới của cả người mua và người bán. Tuy nhiên, Hiệp hội Môi giới bất động sản Mỹ (NAR) đã loại bỏ mức hoa hồng quen thuộc này. Giờ đây, chi phí môi giới sẽ được giới hạn trong một con số cụ thể do các công ty tự đặt ra. Số tiền này có thể thay đổi theo thỏa thuận giữa khách hàng và doanh nghiệp môi giới.
Các doanh nghiệp môi giới bất động sản tại Mỹ đang đối diện với nhiều khó khăn sau quy định mới. Ảnh: Pexels |
Trang TD Cowen Insights dự báo, sự thay đổi này có thể khiến các doanh nghiệp phải đua nhau giảm phí môi giới khoảng 25 - 50% so với mức hoa hồng cũ. Điều này sẽ có lợi cho phía khách hàng nhưng đồng thời cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các công ty.
Theo ông Norm Miller, giáo sư tại Đại học San Diego, các quy định mới sẽ là “giọt nước tràn ly” và có thể khiến 1 triệu môi giới viên ở Mỹ quyết định nghỉ việc. Hiện thị trường địa ốc tại xứ cờ hoa vẫn chìm trong ảm đạm, doanh số bán nhà trong năm 2023 đã giảm xuống mức thấp nhất trong suốt 28 năm.
Không chỉ vậy, nguồn cung nhà ở mới vẫn trong tình trạng hạn chế. Lãi suất cho vay và giá nhà vẫn tiếp tục neo cao. Ông Norm Miller cho rằng, kể cả khi chi phí hoa hồng giảm, tình hình thị trường vẫn khó lòng được cải thiện.
Hiện cổ phiếu của các doanh nghiệp môi giới bất động sản tại Mỹ đang ngập trong sắc đỏ. Trong 5 ngày qua, giá cổ phiếu Zillow đã giảm khoảng 12%, Compass giảm hơn 9% và Redfin giảm 11,8%.
Nếu so với các quốc gia khác, mức hoa hồng cũ tại Mỹ được đánh giá ở mức cao, tương đương với Nhật Bản (6,2%) và Argentina (6%). Một số quốc gia lớn như Pháp, Đức và Nga có mức phí lần lượt là 5%, 4,5% và 3,4%. Mặt khác, nhiều nước lại có phí hoa hồng ở mức vừa phải, có thể kể đến như Trung Quốc (2,5%), Australia (2,5%), Hà Lan (2%) và Anh (1,3%).
Tại Việt Nam, mức phí hoa hồng không được quy định cụ thể. Với các sàn môi giới bất động sản, khoản phí thường tương đương khoảng 2% giá trị giao dịch. Trên thị trường thứ cấp, khoản hoa hồng sẽ được thỏa thuận linh hoạt hơn.
Phân loại cấp bậc môi giới viên
Tại Mỹ, vai trò và cấp bậc của các môi giới viên được phân chia rõ ràng. Ở mức độ thấp nhất có “salesperson” (người bán hàng). Những người này sẽ có vai trò tương tự như những người dắt mối, chào hàng tại Việt Nam. Người bán hàng sẽ làm nhiệm vụ quảng bá sản phẩm bất động sản, tìm kiếm và tư vấn thông tin cho khách hàng. Công việc này không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề nhưng người lao động vẫn phải được đào tạo qua các khóa học cơ bản.
Tiếp theo là “real estate agent” (môi giới viên). Đây là những người sẽ đại diện cho người mua, người bán hoặc nhà đầu tư trong các giao dịch bất động sản. Các môi giới viên có thêm nhiệm vụ đàm phán giá cả và giải quyết các thủ tục pháp lý để tiến hành giao dịch. Những người làm công việc này bắt buộc phải có giấy phép và chứng chỉ hành nghề.
Ở cấp cuối cùng là các “broker” (môi giới viên cấp cao). Những người này có thể hoạt động độc lập hoặc mở doanh nghiệp môi giới. Ở cương vị này, họ sẽ nắm vai trò đặt ra chiến lược phát triển, quản lý tài chính và nhân sự của công ty. Các môi giới cấp cao sẽ chỉ tham gia các giao dịch mua bán lớn và phức tạp. Để trở thành “broker”, các môi giới viên sẽ phải hoàn thành thêm các khóa học về thuế, luật và tài chính. Sau khi vượt qua kỳ thi sát hạch, những người này sẽ phải làm việc cho các doanh nghiệp bất động sản ít nhất 1 - 3 năm.
Hiện Mỹ có khoảng 2 triệu môi giới bất động sản có chứng chỉ hành nghề. Trang Fit Small Business cho biết, mức lương cơ bản (chưa tính hoa hồng) của các môi giới viên rơi vào khoảng 46.000 USD/năm. Trong khi đó, các môi giới cấp cao sẽ có mức lương gần 60.000 USD/năm.
Theo số liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, vào thời kỳ cao điểm, thị trường ghi nhận có khoảng 300.000 - 400.000 cá nhân hành nghề môi giới địa ốc. Tuy nhiên, hiện chỉ có 30.000 - 35.000 người có đủ điều kiện và chứng chỉ hành nghề.