Y tế - Sức khỏe
Mỗi tháng phát hiện gần 1.000 ca mắc HIV mới
D.Ngân - 03/11/2022 15:24
Trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phát hiện 9.025 ca nhiễm HIV mới, 1.378 ca tử vong.

Như vậy, trung bình mỗi tháng có khoảng gần 1.000 ca nhiễm HIV mới. Tích lũy đến nay, cả nước có 220.580 ca nhiễm HIV và 112.368 ca tử vong.

Giới chuyên gia đang có sự lo ngại khi tỷ lệ lây nhiễm HIV ở nhóm SMS tăng cao.

Theo bà Cao Kim Thoa, Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), theo phân bố người nhiễm HIV mới phát hiện tháng 10/2022, có tới 36% ca mắc được phát hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long, 28% ca tại TP. HCM. 

Theo báo cáo mới nhất, số ca ở nhóm người dưới 30 tuổi tăng mạnh. Giai đoạn 2012-2013, tỷ lệ nhiễm HIV nhóm tuổi này chỉ dưới 5% nhưng đến năm 2022 tăng rất cao, lên 50%. Đường lây chính trong nhóm trẻ 19-30 tuổi từ năm 2012 đến nay chủ yếu lây qua đường tình dục.

Đặc biệt, trong vài năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh trong nhóm MSM (đồng tính nam). Mới đây nhất, Chương trình Giám sát trọng điểm cộng đồng MSM đã chọn 100 người nguy cơ ở nhiều tỉnh, thành phố thì phát hiện có 13 trường hợp nhiễm HIV.

Theo bà Thoa, ước tính trong phân bố nhóm đối tượng nhiễm mới HIV hàng năm giai đoạn 2000-2025, nhóm MSM sẽ có tỷ lệ tăng cao nhất. 

Đại diện của Cục Phòng chống HIV cũng cho hay, năm 2022, dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, nhưng diễn biến phức tạp, gia tăng ở một số nhóm nguy cơ cao (MSM, NCMT) và còn xa so với mục tiêu Chấm dứt đại dịch AIDS. 

Mặc dù tiếp tục ghi nhận thêm nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng chống HIV, nhưng theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM. 

Việc can thiệp cho nhóm này rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận. "Việc nghiện các chất ma túy tổng hợp và ma túy dạng kích thích đang gia tăng. Việt Nam chưa có thuốc điều trị nghiện cũng như hướng dẫn chi trả cho xác định tình trạng nghiện", bà Thoa nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, việc bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV, quy trình, thủ tục mua sắm, đấu thầu thuốc ARV, sinh phẩm xét nghiệm cũng nhiều vướng mắc, quá trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng rất khó khăn.

Để nâng hiệu quả công tác phòng chống dịch HIV thời gian qua cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam cũng đã từng bước tự chủ tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS: Chuyển đổi điều trị ARV từ viện trợ sang BHYT.

Bên cạnh đó, còn huy động y tế tư nhân cung cấp các dịch vụ phòng chống AIDS. Hiện có 20 phòng khám tư nhân; 50%người sử dụng PrEP nhận dịch vụ ở kênh tư nhân. 

Cảnh báo về tình hình dịch khu vực Đông Nam Á, đại diện UNAIDS khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, tỷ lệ nhiễm mới HIV ở thanh thiếu niên Đông Nam Á tăng đáng quan ngại. Tỷ lệ này đặc biệt tăng ở lứa tuổi từ 15 đến 24. Đây cũng là cảnh báo mới nhất từ UNAIDS. Nếu tình trạng nhiễm HIV tiếp tục gia tăng ở người trẻ, các quốc gia Đông Nam Á và cả khu vực châu Á sẽ không thể đạt mục tiêu loại bỏ HIV/AIDS vào năm 2030.

Đại diện tổ chức này cho biết, 99% trường hợp lây nhiễm HIV ở người trẻ xảy ra trong nhóm người đồng tính nam, người hành nghề mại dâm và những người tiêm chích ma túy. Với mức độ dễ tổn thương như vậy, những người làm công tác xã hội cần tìm hiểu kỹ tâm lý và có cách tiếp cận phù hợp để họ có kiến thức và nguồn lực cần thiết để tự bảo vệ mình.

Thống kê của UNAIDS cũng cho thấy, trong giai đoạn từ 2010 đến năm 2020, tỷ lệ tăng số ca mắc mới HIV của người trẻ trong nhóm 15 - 24 tuổi tại Philippines lên tới 216%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đáng lưu ý, nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng lây nhiễm mới HIV trong nhóm này là do thiếu kiến thức phòng tránh.

Nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines và Thái Lan đều ghi nhận hơn 40% số ca mới nhiễm HIV là ở thanh thiếu niên. Nếu xu hướng này không được đảo ngược thì từ giờ đến năm 2030, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể ghi nhận thêm 7 triệu ca HIV mới.

Tin liên quan
Tin khác