| ||
Ông Ngô Văn Minh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam |
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải khách quan là mong mỏi của tất cả ĐBQH, nhưng đây là lần đầu tiên thực hiện, liệu kết quả có thực sự như mong muốn không, thưa ông?
Theo dự kiến, vào ngày 10/6/2013 , Chủ tịch Quốc hội sẽ báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, sau đó Quốc hội biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đợt này và tiến hành thảo luận.
Vào cuối giờ chiều ngày 10/6, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm sau khi bầu Ban kiểm phiếu và nghe Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận và báo cáo về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm.
Hiện Quốc hội chưa tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nên tôi chưa có ý kiến, nhận định gì về vấn đề này.
Tuy nhiên, không chỉ có ĐBQH, mà cử tri và nhân dân cả nước đều mong mỏi có được kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thực sự khách quan, công tâm.
Các vị trí được lấy phiếu tín nhiệm đợt này làm việc ở các lĩnh vực khác nhau. Vì thế, khi lấy phiếu tín nhiệm đòi hỏi thực sự khách quan không hề đơn giản, thưa ông?
Tôi nghĩ, vấn đề này không khó, bởi đã có “barem” chung là căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Chỉ có điều, trên thực tế, người làm nhiều thường mắc nhiều hạn chế, khiếm khuyết hơn. Người làm ít, thì ít bộc lộ hạn chế, khiếm khuyết. Người phụ trách những vấn đề gay cấn, nóng bỏng, liên quan trực tiếp đến quốc kế dân sinh, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể sẽ vướng phải nhiều hạn chế hơn những người phụ trách những mảng khác.
Ngoài ra, trong thời đại công nghệ thông tin, người thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám nói thằng, nói thật với báo chí về những việc mình làm được, chưa làm được thì thường bị “soi” hơn những người “kín tiếng”.
Vì thế, tôi cho rằng, các ĐBQH phải thực sự công tâm trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh.
Có một số ít ý kiến lo ngại rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm có thể bị hiểu sang mục đích khác?
Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần này và những lần khác nữa chỉ nhằm mục đích duy nhất là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ vì thế, tôi cho rằng, những người được lấy phiếu tín nhiệm dù có đạt mức độ tín nhiệm rất cao cũng vẫn phải hết sức cố gắng trong công việc được giao, luôn giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Theo ông, ý nghĩa quan trọng nhất của việc lấy phiếu tín nhiệm là gì?
Tôi cho rằng, dù chức danh nào đó đạt được tỷ lệ “tín nhiệm cao” rất lớn hay tỷ lệ “tín nhiệm”, tỷ lệ “tín nhiệm thấp” cao thì kết quả lấy phiếu tín nhiệm chính là tấm gương để người được lấy phiếu tín nhiệm soi rọi lại mình, nhìn lại mình, xem lại công việc mình được giao quản lý, điều hành đã thực sự tốt chưa.
Nếu đã tốt (tỷ lệ tín nhiệm cao lớn) thì tiếp tục phấn đấu hoặc chưa thực sự tốt (tỷ lệ tín nhiệm thấp lớn) thì phải tự chấn chỉnh, cố gắng phấn đấu để tốt hơn nữa trong phục vụ nhân dân, phục doanh nghiệp nhằm thực hiện thành công Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2016.
Là người cầm lá phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, ông có suy nghĩ gì?
Là người chịu trách nhiệm tham gia lấy phiếu tín nhiệm, tôi phải cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm, công bằng khi thể hiện tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Hàn Tín