Chuyên gia của Moody’s Investor Service cho rằng, vấn đề đáng lo ngại là nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại do sự suy thoái của ngành bất động sản nước này. Ảnh: AFP |
Bà Atsi Sheth, Giám đốc điều hành dịch vụ tín dụng và nghiên cứu tại hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's nhận định: "Đại dịch Covid-19 ở các thị trường mới nổi trầm trọng hơn ở các nền kinh tế phát triển... nên mức độ suy thoái kinh tế ở các thị trường mới nổi cũng nghiêm trọng hơn so với các nền kinh tế phát triển".
Bà Atsi Sheth cho rằng, với tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 còn thấp và biến thể Omicron của Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu, thì nhu cầu ở các thị trường mới nổi vẫn chưa phục hồi như trước đại dịch. Bên cạnh đó, việc thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu cũng đang gây tổn hại đến sức phục hồi của nhu cầu.
Tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết họ sẽ chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng sớm hơn dự kiến và tăng tốc cắt giảm quy mô mua vào trái phiếu. Fed cũng dự kiến thực hiện 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2022 để ứng phó với lạm phát cao kỷ lục.
Theo công bố của Bộ Lao động Mỹ, lạm phát tháng 11/2021 của nước này đã tăng cao nhất kể từ năm 1982. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng 0,8% so với tháng 10 và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/1982.
Trong động thái ứng phó với lạm phát, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tuần trước đã quyết định tăng lãi suất lên 0,25%, từ mức thấp lịch sử 0,1%.
"Cho nên, việc quản trị phục hồi kinh tế sẽ thực sự khó khăn đối với các thị trường mới nổi và sẽ có rất nhiều biến động", bà Atsi Sheth lưu ý. "Châu Á sẽ phục hồi tương đối tốt hơn so với một số khu vực khác", nữ chuyên gia Moody's nhấn mạnh, đồng thời lý giải động lực nhu cầu ở châu Á vẫn được duy trì mạnh mẽ trong khi một số hạn chế trong cung ứng đang được nới lỏng.
Bà Atsi Sheth cho rằng, vấn đề đáng lo ngại là nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại do sự suy thoái của ngành bất động sản nước này, tuy nhiên các nhà chức trách Trung Quốc có sẵn các công cụ chính sách cần thiết để ứng phó tình hình.
"Điều được giả định là sự suy giảm này (suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc - BTV) sẽ không có bất kỳ đặc điểm nào của một cuộc khủng hoảng tài chính", bà Atsi Sheth cho biết. "Những vấn đề của ngành bất động sản (Trung Quốc) sẽ được 'phong tỏa' để không lây lan sang lĩnh vực tài chính", nữ chuyên gia nói thêm.
Khó khăn tài chính của các công ty bất động sản trở thành vấn đề đáng lo ngại của ngành bất động sản Trung Quốc trong vài tháng qua sau khi Tập đoàn Evergrande và các nhà phát triển bất động sản khác như Kaisa và Sinic Holdings phải vật lộn trả nợ.
Một thách thức khác mà các nền kinh tế châu Á phải đối mặt là lạm phát. Bà Atsi Sheth cho rằng, một số ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ đau đầu khi phải cân đối mức hỗ trợ nền kinh tế sao cho phù hợp, trong bối cảnh biến thể Omicron đang đe dọa tới tăng trưởng.
"Lạm phát mà chúng ta đang thấy ở nhiều thị trường mới nổi chủ yếu bị đẩy lên bởi giá lương thực tăng cao do hạn hán tự nhiên hoặc chi phí năng lượng leo thang… nhưng chính sách tiền tệ lại không thể giải quyết những vấn đề này", bà Atsi Sheth nói.
Các thị trường mới nổi ở châu Á bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), và Thái Lan.