Sức khỏe doanh nghiệp
Một cổ đông lớn bán ra 12,5 triệu cổ phiếu Cảng Phước An trước thềm Đại hội
Duy Bắc - 29/05/2024 07:43
Mua vào và trở thành cổ đông lớn năm 2022 nhưng tới ngày 23/5, ông Nguyễn Quốc Quân bất ngờ bán ra 12,5 triệu cổ phiếu CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP).

Ngày 23/5, ông Nguyễn Quốc Quân thực hiện bán ra 12,5 triệu cổ phiếu PAP, giảm sở hữu từ hơn 13,8 triệu cổ phiếu (6,9% vốn điều lệ), xuống còn hơn 1,3 triệu cổ phiếu (0,65% vốn điều lệ) và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Cảng Phước An.

Ngoài ra, theo dữ liệu lịch sử, ông Nguyễn Quốc Quân trở thành cổ đông lớn tại Cảng Phước An vào ngày 7/6/2022 khi mua vào hơn 13,8 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 9,2% vốn điều lệ (mặc dù cùng số lượng cổ phiếu sở hữu nhưng tỷ lệ sở hữu ngày 7/6/2022 và trước khi bán ra ngày 23/5/2024 khác nhau do Cảng Phước An thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tỷ lệ sở hữu của cổ đông hiện hữu bị pha loãng).

Được biết, trên Báo cáo thường niên năm 2023, tính tới 31/12/2023, Cảng Phước An có hai cổ đông lớn gồm Công ty TNHH MTV Hoành Sơn sở hữu 20,1% vốn điều lệ; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) sở hữu 17,5% vốn điều lệ; và còn lại 62,4% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác.

Theo tìm hiểu, Cảng Phước An được thành lập để thực hiện việc đầu tư khai thác cảng tổng hợp Phước An. Trong đó, cổ đông sáng lập ban đầu gồm Petrovietnam sở hữu 79,54%; Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp sở hữu 17,05%; và các cổ đông khác sở hữu 3,41% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu hoạt động từ ngày 14/8/2008, nhưng bắt đầu từ năm 2016, Cảng Phước An liên tục phát hành riêng lẻ để pha loãng sở hữu nhà nước: Năm 2016, phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn để tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng; năm 2017, tiếp tục phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng; năm 2021, phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng; và năm 2022, Công ty chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nếu nhìn vào lịch sử trước các đợt chào bán riêng lẻ, năm 2015, cổ đông nhà nước - Petrovietnam sở hữu 79,54% vốn điều lệ tại Cảng Phước An và ghi nhận khoản đầu tư vào công ty con khi sở hữu 35 triệu cổ phiếu Cảng Phước An.

Tuy nhiên, trải qua bốn lần tăng vốn từ 440 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu của Petrovietnam sở hữu tại Cảng Phước An vẫn không đổi (35 triệu cổ phiếu), nhưng tỷ lệ sở hữu đã giảm từ 79,54%, về 17,5% vốn điều lệ, tức giảm 62,04% vốn điều lệ.

Trong đó, đỉnh điểm lần tăng vốn năm 2016, Công ty phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn, đơn này trở thành công ty mẹ của Cảng Phước An thay cho Petrovietnam.

Vậy là, từ khi thành lập năm 2008 tới nay, cổ đông nhà nước không bán vốn, nhưng do trải qua các đợt phát hành riêng lẻ liên tục, tỷ lệ sở hữu nhà nước đã giảm từ việc chi phối trên 51% xuống còn 17,5% vốn điều lệ, quyền chi phối Công ty đã chuyển sang nhóm cổ đông tư nhân.

Tiếp tục kế hoạch tăng vốn lên 2.380 tỷ đồng

Một điểm đáng lưu ý khác, Cảng Phước An vẫn chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Đại hội dự kiến tổ chức ngày 28/6.

Trong năm 2024, Cảng Phước An lên kế hoạch tổng đầu tư tăng 42,8% so với năm 2023, tương ứng tăng thêm 643,53 tỷ đồng, lên 2.146,03 tỷ đồng. Trong đó, 1,684,83 tỷ đồng đầu tư phân kỳ 1 Cảng Phước An; 100,8 tỷ đồng phân kỳ 1 điều chỉnh phần tuyến đường; 11,41 tỷ đồng dự án khu dịch vụ hậu cần cảng…

Cảng Phước An cho biết kế hoạch triển khai trong năm 2024, đầu tiên sẽ hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng, lên 2.380 tỷ đồng; hoàn thành xây dựng phân kỳ 1 điều chỉnh phù hợp với tiến độ đầu tư, khai thác tuyến đường vào Cảng Phước An theo hình thức BOT để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả đầu tư của cả hai dự án cũng như đảm bảo sự kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông trong khu vực; thực hiện các thủ tục liên quan đến điều chỉnh tiến độ của dự án đầu tư xây dựng Cảng Phước An cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050…

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Cảng Phước An cho biết do lỗ trong năm 2023 vì vậy Công ty tiếp tục không trả cổ tức cho cổ đông.

Ngoài ra, trong năm 2023, Cảng Phước An đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng, lên 2.380 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện.

Lý do việc không triển khai đợt tăng vốn được Cảng Phước An đưa ra do căn cứ vào nhu cầu giải ngân vốn đầu tư và tình hình hoạt động của công ty, Cảng Phước An đã thông qua tạm dừng kế hoạch tăng vốn ngày 19/10/2023 nhưng hiện tại đã hoàn thiện hồ sơ, hồ sơ đang được Uỷ ban Chứng khoán xem xét chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện.

Cảng Phước An tiếp tục lỗ thêm 1,48 tỷ đồng trong quý I/2024

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2024, tiếp tục không ghi nhận doanh thu, Cảng Phước An tiếp tục lỗ thêm 1,49 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1,48 tỷ đồng. Trong đó, lỗ do không ghi nhận doanh thu trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp là 1,49 tỷ đồng.

Lý giải việc kinh doanh thua lỗ, Cảng Phước An cho biết do Công ty là doanh nghiệp dự án, hiện dự án đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động do đó chưa có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Được biết, kể từ quý II/2021 đến quý I/2024, Cảng Phước An liên tục duy trì kinh doanh thua lỗ, nâng tổng số quý lỗ liên tiếp lên tới 12.

Với việc tiếp tục lỗ trong quý đầu năm 2024, tính tới 31/3/2024, tổng lỗ luỹ kế của Cảng Phước An đã lên tới 15,41 tỷ đồng, bằng 0,77% vốn điều lệ (vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng).

Tin liên quan
Tin khác