Thời sự
Một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Thái Bình
P.V - 09/04/2017 07:58
Phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, cùng sự hỗ trợ của những chính sách trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, nền nông nghiệp tỉnh Thái Bình đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Ưu đãi về đất đai

Dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp khuyến khích đầu tư được hưởng ưu đãi về đất đai. Cụ thể, được thuê đất với mức giá thấp nhất của loại đất tương ứng. Nếu thuê theo hình thức trả tiền hàng năm thì đơn giá hàng năm bằng 0,5 nhân (x) giá đất tính tiền thuê theo mục đích sử dụng. Trường hợp thuê đất theo hình thức trả tiền một lần, đơn giá là giá đất của thời hạn thuê và được xác định theo phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập thặng dư hoặc phương pháp hệ số điều chỉnh quy định tại Khoản 5, Điều 4, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

.

Dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp khuyến khích đầu tư được miễn tiền thuê đất trong 15 năm đầu đối với dự án được đầu tư tại huyện Tiền Hải, Thái Thụy; miễn tiền thuê đất trong 11 năm đầu đối với dự án đầu tư tại vùng nông thôn khác, miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở công nhân, phúc lợi công cộng...

Đối với các dự án đầu tư phát triển công nghệ cao và dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại khu, cụm công nghiệp được hỗ trợ san lấp mặt bằng 70.000 đồng/m2.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô chăn nuôi tập trung từ 1.000 con trở lên đối với lợn thịt; hoặc từ 500 con trở lên đối với trâu, bò, dê; hoặc từ 200 con đối với bò thịt cao sản nhập ngoại; hoặc từ 500 con đối với bò sữa cao sản, được hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án, riêng  chăn nuôi bò sữa cao sản, mức hỗ trợ là 5 tỷ đồng/dự án. Nếu dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào, còn được hỗ trợ 70% chi phí và không quá 5 tỷ đồng. Nếu dự án nhập giống gốc cao sản vật nuôi được hỗ trợ không quá 40% chi phí nhập giống gốc.

Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với công suất mỗi ngày đạt tối thiểu 400 con gia súc, 4.000 con gia cầm hoặc 200 gia súc và 2.000 con gia cầm, được hỗ trợ thấp nhất 2 tỷ đồng/dự án. Dự án công suất giết mổ lớn hơn được tăng tương ứng. Trường hợp chưa có đường giao thông, điện, cấp thoát nước đến hàng rào được hỗ trợ thêm 70% chi phí và không quá 5 tỷ đồng.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống ngao sinh sản 50% kinh phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay Ngân hàng để đầu tư tài sản cố định trực tiếp cho sản xuất 3 năm đầu…

Hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác hải sản. Đóng tàu mới: công suất máy chính từ 300 CV đến dưới 500 CV hỗ trợ 150 triệu đồng/tàu; tàu có tổng công suất máy chính từ 500 CV trở lên hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu. Tàu nâng cấp: tổng công suất máy chính từ 300 CV đến dưới 500 CV hỗ trợ 70 triệu đồng/tàu; tàu có tổng công suất máy chính từ 500 CV trở lên hỗ trợ 100 triệu đồng/tàu. Hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, chi phí đào tạo thuyền viên, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới...

 Hỗ trợ mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Hỗ trợ đến 50% đơn giá mua máy theo hóa đơn giá trị gia tăng cho các loại máy: cấy, gặt đập liên hợp, nhưng không quá 40 triệu đồng/máy cấy và không quá 132 triệu đồng/máy gặt đập. Hỗ trợ đến 80% đơn giá mua thiết bị kho lạnh bảo quản giống khoai tây nhưng không quá 120 triệu đồng/thiết bị.

Hỗ trợ đầu tư nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ sở sản xuất sản phẩm phụ trợ; chế tạo thiết bị cơ khí để bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản. Hỗ trợ không quá 70% chi phí xử lý chất thải cho các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô lớn, đã đầu tư, sử dụng nhiều lao động. Hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm với mức 1.500 đồng/tấn/km; khối lượng vận chuyển theo công suất thực tế nhà máy; hỗ trợ một lần sau khi hoàn thành đầu tư; thời gian hỗ trợ 5 năm. Nếu dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước được hỗ trợ thêm 70% chi phí và tổng  không quá 5 tỷ đồng/dự án.

Với nhà máy chế biến ngao công suất 700.000 tấn/năm tại Tiền Hải và Thái Thụy, được thuê đất với đơn giá bằng 50% đơn giá thuê đất theo quy định.

Nhà máy chế biến gạo, ngô, đậu tương, khoai tây chủ yếu nguyên liệu từ địa phương với quy mô 15.000 tấn/năm tại các khu công nghiệp Vũ Thư, Cụm công nghiệp Đập Neo sẽ thuê đất với giá 7000 - 8.200 đồng/m2, được hỗ trợ san lấp mặt bằng 35.000 đồng/m2.

Nhà máy chế biến thực phẩm từ lợn và gia cầm vốn đầu tư 100 tỷ trở lên tại Cụm công nghiệp Vũ Thư hoặc Cụm công nghiệp Đông La được thuê đất với giá 7000 - 8.200 đồng/m2. Hỗ trợ san lấp mặt bằng 35.000 đồng/m2. Hỗ trợ đầu tư cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, phụ phẩm thủy sản tối thiểu 150 tấn sản phẩm/ngày; sấy phụ phẩm thủy sản đạt tối thiểu 50 tấn sản phẩm/ngày được hỗ trợ 2 tỷ đồng/dự án.

Cơ chế tích tụ ruộng đất nông nghiệp, Thái Bình bảo lãnh cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuê đất của người dân để phát triển sản xuất nông nghiệp. Đơn giá theo thỏa thuận giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp với hộ nông dân. Thời hạn thuê đất từ 20 - 30 năm, 5 năm điều chỉnh giá một lần, nhưng không vượt quá 5% so với đơn giá hiện hành.

Đối với các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao, tỉnh sẽ có cơ chế chính sách phù hợp.

Ban hành cơ chế thưởng các địa phương, thực hiện hiệu quả khi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cho dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư 3 triệu đồng/người/khóa học.

Tin liên quan
Tin khác