Về thủ tục môi trường dự án lấn biển
Khoản 1 Điều 4 của Dự thảo quy định: “1. Dự án lấn biển phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nhà đầu tư dự án lấn biển chỉ thực hiện hoạt động lấn biển khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất và phê duyệt phương án lấn biển.”
Như vậy, Khoản 1 Điều 4 của Dự thảo nêu trên chưa nêu rõ thời điểm phải phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, không phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, gây bất lợi cho các nhà đầu tư. Nhiều ý kiến đã đề xuất bổ sung để làm rõ như sau: “Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án lấn biển phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Về quy định chuyển tiếp
Dự thảo chưa có điều khoản chuyển tiếp đối với các dự án lấn biển đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao khu vực biển trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành. Theo thông lệ và để thuận lợi cho các địa phương, cần bổ sung Điều khoản chuyển tiếp như dự thảo mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ trước đây:
“Dự án lấn biển đã có văn bản chấp thuận thực hiện dự án và đã được cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển để thực hiện lấn biển trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì nhà đầu tư dự án lấn biển được lựa chọn thực hiện theo một trong hai hình thức sau đây:
a) Tiếp tục thực hiện lấn biển theo quyết định giao khu vực biển và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất sau khi hoàn thành, nghiệm thu lấn biển.
b) Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất, cho thuê đất lấn biển không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất mà không phải chờ hoàn thành, nghiệm thu việc lấn biển; thực hiện lấn biển theo quyết định giao khu vực biển”.
Nếu quy định bắt buộc các dự án đã được giao khu vực biển phải được phê duyệt phương án lấn biển đồng thời với giao đất, cho thuê đất trước khi thực hiện hoạt động lấn biển thì sẽ dẫn đến một số bất cập:
- Về phía Nhà nước: Phải thẩm định, phê duyệt nhiều lần về việc giao nhà đầu tư sử dụng cùng một diện tích, trước đây đã giao khu vực biển phù hợp pháp luật, nay lại phải thẩm định, phê duyệt thêm phương án lấn biển, làm thủ tục giao đất, thuê đất cho nhà đầu tư. Trong khi đó, Nhà nước chưa thu được tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong giai đoạn xây dựng cơ bản của dự án (vì thuộc diện được miễn) mà cũng không thu được tiền sử dụng khu vực biển (vì đã có quyết định giao đất, cho thuê đất). Ngoài ra, việc giao đất, cho thuê đất khi chưa có đất hiện hữu sẽ rất khó khăn cho công tác bàn giao và quản lý.
- Về phía nhà đầu tư: Bị kéo dài thời gian chuẩn bị xây dựng và phát sinh thêm điều kiện, thủ tục phải thực hiện hoặc chờ đợi nhà nước thực hiện trước khi xây dựng như: bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đưa khu vực biển vào phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai để có cơ sở phê duyệt phương án lấn biển; lập hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất và phê duyệt phương án lấn biển... Trước đây, nhà đầu tư cũng đã phải lập hồ sơ xin giao khu vực biển để thực hiện dự án đầu tư theo các Nghị định về giao khu vực biển (Nghị định 51/2014/NĐ-CP và Nghị định 11/2021/NĐ-CP). Nếu giữ nguyên như Dự thảo này, nhà đầu tư đã được giao khu vực biển phù hợp với pháp luật trước đây sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục trùng lặp rồi mới có thể đưa khu vực biển vào sử dụng theo đúng mục tiêu dự án đã được chấp thuận.
Để quy định hoạt động lấn biển theo Điều 190 của Luật Đất đai 2024 có hiệu quả trong thực tiễn, hy vọng các Bộ, ngành liên quan sẽ thảo luận để xem xét kỹ lưỡng, toàn diện các vấn đề vướng mắc nêu trên.