Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều đang gặp khó khăn về thị trường. Ảnh: Đức Thanh |
Xuất khẩu giảm tốc
Theo số liệu được Tổng cục Hải quan chính thức công bố vào cuối tuần qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 4 tháng đầu năm đạt 80,86 tỷ USD, thấp hơn so với con số 82,94 tỷ USD ước tính trước đó. Và do vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế trong 4 tháng qua chỉ là 2%, chứ không phải là 4,7% như ước tính.
Như vậy, tác động của đại dịch Covid-19 tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam “nặng” hơn dự kiến. Dù xuất khẩu vẫn tăng và đó được coi là một “điểm sáng” của nền kinh tế, nhưng rõ ràng, đà giảm tốc đang rất mạnh.
Thêm nữa, điểm đáng chú ý là, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) đang đi ngược xu thế của những năm trước, kể cả những năm chịu tác động của khủng hoảng kinh tế. 4 tháng qua, các doanh nghiệp FDI chỉ xuất khẩu được 53,57 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Vì kim ngạch giảm, nên tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ còn 66,2%, chứ không phải là 68-70% như những thời điểm trước.
Ngay cả “ông lớn” Samsung, vốn vẫn đóng góp tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cũng đang gặp khó khăn. Thông tin cho biết, quý I/2020, nhà xuất khẩu lớn nhất Việt Nam này chỉ xuất khẩu được 13,8 tỷ USD và nhiều khả năng, tình hình sẽ còn khó khăn hơn trong quý II, khi mà các thị trường lớn trên toàn cầu, như Hoa Kỳ, châu Âu vẫn đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19.
Không chỉ Samsung, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều đang gặp khó khăn về thị trường. Tập đoàn Dệt may Việt Nam mới đây cho biết, tình hình hủy, dừng, tạm ngừng đơn hàng vẫn đang lan rộng trong ngành dệt may. Nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động 30-70% công suất, do thiếu đơn hàng trầm trọng.
Tổng cục Lâm nghiệp cùng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tại hội nghị được tổ chức hôm 15/5 cho biết, đại dịch Covid-19 làm 80% doanh nghiệp gỗ bị dừng hoặc hủy đơn hàng. Thậm chí, hiện tại, chỉ có khoảng 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường và có tới 86% doanh nghiệp bị ngừng sản xuất một phần.
Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhất là ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore…, nên dễ hiểu vì sao các đơn hàng bị hủy. Nếu tình hình tiếp tục, nguy cơ “vỡ kế hoạch” là hiện hữu.
Cuối năm ngoái, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 là 7%. Con số đạt được trong hiện tại là 2%. Và việc đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu như đã đề ra gần như là không thể. Chính vì vậy, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tuần qua, cùng với việc báo cáo các kịch bản kinh tế và có thể phải cân nhắc điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhắc đến con số tăng trưởng xuất khẩu của năm nay chỉ ở mức 4%.
Trông chờ nửa cuối năm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trong khu vực ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu âm, tuy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chững lại, nhưng việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dương và thặng dư thương mại cho thấy “sự nỗ lực rất lớn”. 4 tháng, nền kinh tế Việt Nam đang có thặng dư thương mại 2,78 tỷ USD.
Cũng theo Bộ trưởng, tới đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia có một số điểm sáng, như nhiều mặt hàng của Việt Nam, gồm trang thiết bị y tế, gạo, nông sản..., đã tìm được cơ hội để thâm nhập các thị trường mới… “Việt Nam có cơ hội trở thành thị trường thay thế trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn…”, Bộ trưởng nói.
Hơn thế, theo Bộ trưởng, việc Việt Nam ở gần thị trường rộng lớn Trung Quốc, nơi mà đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát khá tốt, là một lợi thế lớn. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam chưa thể sớm đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, cần tận dụng “thời cơ vàng” ở thị trường này.
Ở một góc độ khác, ông Eric Sidgwich, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, dù thách thức, khó khăn là rất lớn, nhưng cơ hội cũng đang mở ra cho Việt Nam, khi mà hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết sẽ gia tăng khả năng tiếp tận thị trường nước ngoài của Việt Nam, giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại.
Dù vậy, ở thời điểm này, chưa thể sớm trông chờ vào “mũi giáp công” xuất khẩu. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác chính trong thời gian tới, đặc biệt là những nước đang chịu tác động mạnh mẽ bởi Covid-19 như Hoa Kỳ và châu Âu.
Nhiều khả năng, phải sang nửa cuối năm, khi tình hình đại dịch được kiểm soát tốt hơn, các nước gỡ bỏ các lệnh phong tỏa, mở cửa thị trường, thì tình hình mới có thể khá hơn.
Tuy nhiên, để sẵn sàng cho sự trở lại của thị trường xuất khẩu, cần phải có sự chuẩn bị ngay từ lúc này. Đây là trách nhiệm không nhỏ của Bộ Công thương. Bộ Công thương sẽ phải có các giải pháp để bảo đảm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất - kinh doanh, khắc phục sự gián đoạn nguồn cung; đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới đối với các mặt hàng đang tạm dừng xuất khẩu, do ảnh hưởng dịch bệnh giãn, huỷ đơn hàng; đồng thời có giải pháp làm sao tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là EVFTA, CPTPP.
Cuối tháng này, lần đầu tiên, một hội nghị trực tuyến về xúc tiến thương mại trong ngành da giày Việt Nam với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ được tổ chức với chủ đề “Xúc tiến thương mại giày dép Việt Nam - Hoa Kỳ hậu Covid 19”. Các động thái tích cực như vậy cần thiết được tiếp tục tổ chức, để “đẩy mạnh xuất khẩu” thực sự trở thành một “mũi giáp công” hữu hiệu của nền kinh tế.