Đầu tư và cuộc sống
Mỹ cấm drone Trung Quốc
Việt Anh - 17/01/2020 15:35
Các nhà chức trách Mỹ dự định cho khoảng 1.000 drone dân sự có nguồn gốc Trung Quốc "nghỉ hưu" do lo ngại về nguy cơ gián điệp.

Khi ngọn núi lửa Kilauea ở Hawaii phun trào hồi tháng 5/2018, các nhà khoa học Mỹ đã dùng máy bay không người lái (drone) để cứu một người đàn ông thoát khỏi dung nham.

Các nhà khoa học và nhân viên của Bộ Nội vụ Mỹ đã sử dụng drone dân dụng Trung Quốc trong nhiều năm. Ảnh: FT.

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học và nhân viên của Bộ nội vụ Mỹ, cơ quan quản lý quỹ đất liên bang, đã dùng drone dân sự để thiết lập bản đồ, khảo sát địa hình, kiểm tra tình trạng đường ống... Việc phần lớn drone có nguồn gốc Trung Quốc đã làm leo thang lo ngại về nguy cơ gián điệp, David Bernhardt, Bộ trưởng Bộ nội vụ Mỹ cho biết.

Bộ nội vụ Mỹ đang cân nhắc có nên chấm dứt chương trình drone dân sự hay không. "Cho đến khi quá trình đánh giá hoàn tất, máy bay không người lái sản xuất tại Trung Quốc hoặc chế tạo từ các thành phần của Trung Quốc sẽ bị cấm", Melissa Brown, phát ngôn viên của Bộ nội vụ Mỹ tuyên bố. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn dùng drone trong các trường hợp ngoại lệ, như huấn luyện hay cháy rừng.

Động thái này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của các nhà chức trách Mỹ về công nghệ của Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một hôm 15/1, nhưng chưa giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ và an ninh mạng. Trong quá khứ, Washington đã cáo buộc Huawei và nhiều công ty Trung Quốc khác là hiểm họa an ninh quốc gia.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, các chính sách hạn chế của Mỹ là một hình thức của chủ nghĩa bảo hộ. Mối quan tâm thực sự của là thị phần, không phải an ninh.

DJI đang là thương hiệu drone số một thế giới, chiếm 75% thị phần trên toàn cầu. Ảnh: Aljazeera.

Theo BBC, cứ 10 drone được các nhà khoa học Mỹ sử dụng, có 8 mẫu là sản phẩm của một công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, tên là Công ty Khoa học và Công nghệ sáng tạo Da Jiang (DJI). DJI đang chiếm 75% thị trường drone dân sự toàn cầu, theo Skylogic.

Mối quan ngại của Mỹ với DJI xuất phát từ cáo buộc drone của công ty thu và gửi dữ liệu về Trung Quốc năm 2007. Hơn nữa, Mỹ và Trung Quốc cũng có quy định và tiêu chuẩn khác nhau đối với một công ty tư nhân. Ví dụ, tại Trung Quốc, các giám đốc điều hành phải hợp tác chặt chẽ với chính phủ.

Michael Oldenburg, phát ngôn viên của DJI khẳng định không có bất kỳ "bằng chứng đáng tin cậy nào cho việc hạn chế máy bay không người lái dựa vào nguồn gốc quốc gia".

David Fidler, thành viên Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) nói: "Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng drone để tiến hành giám sát quy mô lớn". Ông và một số chuyên gia khác thừa nhận không thể biết drone thu thập bao nhiêu thông tin, nhưng chúng đặt ra rủi ro với an ninh quốc gia Mỹ.

Paul Rosenzweig, cựu quan chức của Bộ An ninh Nội địa Mỹ đề xuất cấm các công ty Trung Quốc tham gia một số lĩnh vực nhất định. "Tôi sẽ không dùng máy chủ Trung Quốc để vận hành hệ thống hạt nhân", ông nói.

Tuy nhiên, Rosenzweig cho rằng drone chủ yếu bay qua các khu vực hoang dã, công viên nên không có khả năng thu thập dữ liệu nhạy cảm. "Đó là rủi ro có thể chấp nhận được", ông nói thêm. "Tôi không nghĩ rằng drone bay trên Công viên quốc gia Yosemite là một mối đe dọa thực sự".

Trong khi Bộ Nội vụ Mỹ hiện chưa công bố kết quả đánh giá, các nhà khoa học Mỹ vẫn phải chờ đợi để biết số phận của drone.

 

Tin liên quan
Tin khác