Chính quyền Trump cho rằng dữ liệu mà TikTok thu thập từ người dùng Mỹ có thể được chuyển cho chính phủ Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 18/9 cho biết trên kênh truyền hình Fox Business Network rằng Văn phòng của ông sẽ ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với TikTok trước ngày 12/11. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ross lại lưu ý người Mỹ có thể vẫn tiếp tục được truy cập TikTok nếu các bên liên quan đàm phán về một thỏa thuận kết hợp các biện pháp bảo vệ dữ liệu của người dùng.
Kể từ ngày 20/9, người dùng TikTok ở Mỹ sẽ bị chặn sử dụng dịch vụ bảo trì và nâng cấp, theo thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ.
Người phát ngôn của TikTok và Tập đoàn Tencent Holdings - chủ sở hữu WeChat - chưa đưa ra bình luận về động thái trên của Washington.
Các quan chức thương mại Mỹ cho rằng các ứng dụng do Trung Quốc sở hữu là mối đe dọa về an ninh quốc gia và bảo mật quyền riêng tư đối với người Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ khẳng định: "Mỗi ứng dụng đều thu thập một lượng lớn dữ liệu của người dùng, bao gồm hoạt động mạng, dữ liệu vị trí, lịch sử trình duyệt và tìm kiếm. Mỗi ứng dụng đều là những thành viên tích cực trong việc kết hợp quân sự - dân sự của của Trung Quốc và cũng là đối tượng hợp tác với các cơ quan tình báo của CCP (Đảng Cộng sản Trung Quốc - BTV)".
Động thái trên của Bộ trưởng Wilbur Ross được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cho Bộ Thương mại "sờ gáy" WeChat do lo ngại an ninh quốc gia hồi tháng 8. "Trung Quốc đã và đang thu thập tất cả các loại dữ liệu… đó là những gì chúng tôi đang cố gắng loại bỏ", ông Ross cho biết.
Kể từ ngày 20/9, Bộ Thương mại Mỹ sẽ chặn "cung cấp bất kỳ dịch vụ phân phối hoặc duy trì ứng dụng di động WeChat hay TikTok, cùng các mã code hay các phiên bản cập nhật của các ứng dụng đó thông qua kho ứng dụng di động trực tuyến ở Mỹ". Cơ quan này cũng sẽ chặn mọi giao dịch chuyển tiền thông qua WeChat.
Các giám đốc điều hành của TikTok cho biết ứng dụng video này ghi nhận hơn 2 tỷ lượt tải trên toàn cầu trong tháng 8 và có khoảng 50 triệu người sử dụng hàng ngày ở Mỹ. Chính quyền Trump lo ngại dữ liệu mà TikTok thu thập từ người dùng Mỹ có thể được chuyến đến tay chính phủ Trung Quốc, trong khi TikTok khẳng định không bao giờ cung cấp những dữ liệu đó.
Một thẩm phán liên bang Mỹ hôm 17/9 đã không đưa ra phán quyết sau khi nghe phân trần của những người dùng WeChat - những người đã khởi kiện các lệnh hành pháp mà ông Trump ban hành đầu tháng 8 nhằm áp đặt giới hạn đối với WeChat.
Về vụ kiện trên, các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết chính quyền Washington sẽ không áp dụng "hành động pháp lý" đối với những cá nhân sử dụng WeChat "để truyền tải thông tin cá nhân hoặc thông tin doanh nghiệp". Trong khi đó, một nguyên đơn cho rằng hiện chưa rõ các hoạt động cụ thể nào sẽ bị cấm.
WeChat là nền tảng tích hợp nhiều chức năng từ truyền thông xã hội, nhắn tin văn bản, thanh toán di động, marketing doanh nghiệp… Dù người dùng WeChat hiện nay chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, nhưng ứng dụng này rất quan trọng đối với cộng đồng người Trung Quốc tại Mỹ và đang được sử dụng rộng rãi bởi những người nước ngoài có quan hệ công việc hoặc riêng tư ở Trung Quốc.
WeChat và ứng dụng "chị em" Weixin ở thị trường Trung Quốc có tổng cộng 1,21 tỷ người dùng hàng tháng. Tại hội nghị trực tuyến đánh giá lợi nhuận tháng trước, các giám đốc điều hành của Tencent đã tìm cách phân tách 2 ứng dụng trên để xoa dịu nỗ lo của nhà đầu tư. Cũng tại hội nghị, một giám đốc điều hành cho biết doanh thu từ thị trường Mỹ chiếm chưa đầy 2% tổng doanh thu của Tencent.
Có điều, nhiều doanh nghiệp Mỹ từ Walt Disney đến Walmart đang dựa vào WeChat để tiếp cận và thu tiền thanh toán trực tuyến từ khách hàng ở Trung Quốc. Có 9/10 doanh nghiệp được Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải khảo sát cho biết lệnh cấm của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của họ ở Trung Quốc nếu phạm vi lệnh cấm được mở rộng sang cả thị trường này.
WeChat được Tencent ra mắt vào năm 2011 và kể từ đó đã trở thành "hiện tượng" cho sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc. Ngoài điều hành WeChat - ứng dụng truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, Tencent còn là nhà phát triển trò chơi điện tử lớn nhất thế giới, xét về mặt doanh thu. Tại Mỹ, Tencent đang sở hữu Công ty sản xuất trò chơi điện tử Riot Games - tác giả của trò chơi nổi tiếng "Liên minh huyền thoại". Ngoài ra, hãng công nghệ Trung Quốc đang nắm giữ lượng cổ phần nhất định tại 2 nhà sản xuất trò chơi điện tử có tiếng là Activision Blizzard và Epic Games.
Tạp chí Phố Wall viện dẫn tài liệu cho biết, Tencent đã tuyển dụng Edward Royce, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cùng 4 nhà vận động hành lang khác từ Công ty luật Brownstein Hyatt Farber Schreck (bang Colorado) sau khi Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh hành pháp cứng rắn với TikTok và WeChat hồi tháng 8.
Với giá trị vốn hóa hơn 645 tỷ USD, Tencent, với cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong, đang là một trong những công ty lớn nhất ở Trung Quốc có hợp tác chặt chẽ với chính quyền Bắc Kinh. Chủ tịch kiêm CEO của Tencent, ông Pony Ma, là thành viên Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc từ năm 2013.