Quốc tế
Mỹ trông chờ cú hích cuối cùng trong cuộc chiến chống lạm phát
Đông Phong - 25/08/2023 06:49
Chủ tịch Fed dự kiến đề ra các bước đi cuối cùng trong chiến dịch chống lạm phát, đồng thời củng cố cam kết hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan này tại hội nghị kinh tế Jackson Hole.
Trụ sở Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, D.C. Ảnh: AFP

Cuộc chiến chống lạm phát đang ở giai đoạn khó khăn nhất

Có thể không kịch tính như các bài phát biểu những năm gần đây, nhưng bài phát biểu lần này của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại hội nghị kinh tế thường niên Jackson Hole diễn ra vào ngày 25/8 tại thành phố Kansas, vẫn có điểm đặc biệt đáng chú ý.

Bởi lẽ, bài phát biểu năm nay đưa ra vào thời điểm mà Chủ tịch Fed gọi là giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến chống lạm phát - giai đoạn đòi hỏi điều chỉnh mức độ thắt chặt chính sách cần thiết, nhưng lại có rất ít đánh giá chắc chắn về các động thái của Fed đến nay ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế Mỹ.

Cho đến gần đây, con đường chống lạm phát phía trước vẫn theo hướng: Tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát nhanh nhất trong bốn thập kỷ. Nhưng giờ đây khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, bất đồng đang nổi lên giữa các nhà hoạch định chính sách Mỹ là xác định "còn bao nhiêu việc phải làm" trong cuộc chiến chống lạm phát, theo Bloomberg.

Chủ tịch Fed có thể sẽ tận dụng hội nghị Jackson Hole năm nay để phác thảo cách Fed đánh giá liệu có cần tăng lãi suất hơn nữa hay không và xác định thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất.

"Ông ấy (Chủ tịch Fed - BTV) sẽ thận trọng, không nên nới lỏng quá sớm. Tôi nghĩ đó sẽ là chủ đề tại hội nghị", cựu Phó chủ tịch Fed Donald Kohn cho biết. "Sẽ thực sự hữu ích nếu ông ấy giải thích ý nghĩa của sự phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế, giúp làm dịu phản ứng mạnh mẽ của thị trường đối với từng phần dữ liệu", ông Kohn nói thêm.

Dự kiến, Chủ tịch Fed sẽ có bài phát biểu về triển vọng chính sách vào lúc 10:05 ngày 25/8 (giờ Washington) trong khuôn khổ hội nghị Jackson Hole. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, dự kiến cũng sẽ phát biểu vào cuối ngày.

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trên khắp thế giới vẫn đang phải đối mặt với lạm phát cao hơn mục tiêu và nguy cơ suy thoái kinh tế tăng lên. Thách thức trong năm tới sẽ là cân bằng rủi ro ngày càng tăng từ hai phía, khi các ngân hàng trung ương phải vừa ra sức kiểm soát áp lực giá cả, vừa cố tránh gây ra suy thoái kinh tế.

Trong bài phát biểu thẳng thắn, ngắn gọn và chính xác của mình tại hội nghị Jackson Hole vào tháng 8 năm ngoái, ông Powell đã nhấn mạnh quyết tâm ngăn chặn lạm phát của Fed. Và đến nay, lãi suất cơ bản của Mỹ đã đạt mức cao nhất trong 22 năm, trong ngưỡng từ 5,25 - 5,5%.

Cho đến nay, các chỉ số lạm phát của Mỹ đã giảm đáng kể so với một năm trước và nền kinh tế lớn nhất thế giới không có nhiều dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ thắt chặt. Tuy nhiên, các quan chức Fed ngày càng bị chia rẽ thành hai phe vì rủi ro lạm phát đã giảm bớt nhưng các rủi ro kinh tế khác lại gia tăng.

Độ trễ chính sách được rút ngắn? 

Tại Fed, một phe lập luận rằng tăng lãi suất vẫn chưa đem lại tác dụng triệt để cho nền kinh tế Mỹ và họ lo ngại rằng việc thắt chặt các điều kiện tín dụng như hiện nay sẽ gây ra tác động mạnh hơn dự đoán. Chẳng hạn, việc rút tiền tiết kiệm thời kỳ đại dịch và việc tiếp tục thanh toán khoản vay sinh viên vào mùa thu này có thể tạo thêm "những cơn gió nghịch".

Trong khi đó, phe còn lại nhận định rằng độ trễ của chính sách tiền tệ tác động lên các hoạt động kinh tế không còn lâu nữa bởi họ cho rằng phần lớn tác động của việc tăng lãi suất đã được thấy rõ. Họ muốn thấy bằng chứng cụ thể hơn thể hiện lạm phát đang trên đà quay trở lại mục tiêu 2% của Fed.

Các nhà đầu tư vẫn đang mơ hồ về động thái chính sách tiếp theo của Fed, nên độ rung lắc của các thị trường tăng lên trong những tuần gần đây. Sau những chia sẻ của một số quan chức Fed rằng các quyết định lãi suất sắp tới sẽ tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế, thì số phận của các thị trường dường như phụ thuộc vào từng dữ liệu kinh tế mới.

Trên thị trường hàng hóa tương lai, các nhà giao dịch hiện không kỳ vọng một đợt tăng lãi suất nào nữa trong năm nay, mặc dù họ nhận thấy khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách hai ngày, từ 31/10 - 1/11, của Fed là cao hơn so với cuộc họp tháng 9.

Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole sẽ giúp Chủ tịch Fed có nhiều cơ hội hơn để đưa ra các đầu mục chính trong chiến lược của mình, bao gồm cả việc Fed tập trung vào nhiều thứ khác hơn là chỉ báo cáo lạm phát.

"Chúng tôi kỳ vọng ông ấy (ông Powell - BTV) sẽ tiếp tục nhấn mạnh rằng Fed sẽ phụ thuộc vào dữ liệu và xem xét 'tổng thể' của dữ liệu, tiếp tục duy trì cuộc họp tháng 9 là một cuộc họp trực tiếp", các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) cho biết.

Lãi suất đã đến mức trung lập?

Nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường giữa lãi suất tăng cao đã làm dấy lên suy đoán rằng cái gọi là "lãi suất trung lập" (mức lãi suất mà tại đó chính sách không kích thích hay làm chậm nền kinh tế) có thể cao hơn so với trước đại dịch Covid-19.

Trong tuần này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên cán mốc 4,35% kể từ năm 2007, diễn biến này ám chỉ khả năng lãi suất có thể vẫn tăng cao hơn.

Các nhà đầu tư đang mong đợi Chủ tịch Fed cân nhắc mức lãi suất tại Hội nghị kinh tế Jackson Hole vào ngày 25/8.

Theo dự đoán mới nhất của các quan chức Fed được công bố vào tháng 6, lãi suất trung lập sẽ không thay đổi so với trước đại dịch, vẫn ở mức 2,5% và Chủ tịch Fed khó có thể đi chệch hướng này. "Thành thật mà nói, chúng tôi không biết" lãi suất trung lập ở mức nào, Chủ tịch Fed đã nói như vậy với các nhà lập pháp Mỹ vào tháng 3/2023.

Trong bài phát biểu đầu tiên tại hội nghị Jackson Hole với tư cách là Chủ tịch Fed vào năm 2018, ông Powell đã nhấn mạnh đến sự không chắc chắn cố hữu xung quanh những ước tính về các biến số dài hạn như vậy.

Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng, trong trường hợp có những diễn biến nghiêm trọng như khủng hoảng tài chính hoặc lạm phát không được kiểm soát, Fed sẽ phải "làm bất cứ điều gì cần thiết" để giải quyết vấn đề. Năm ngoái, lạm phát Mỹ lên mức cao nhất trong 40 năm, bài phát biểu của ông Powell đã đi theo hướng này. Năm nay, có lẽ đã đến lúc quay lại Fed kịch bản trước kia.

Ông Adam Posen, Chủ tịch Viện kinh tế quốc tế Peterson, cho rằng: "Không lẽ nào bài phát biểu của ông Powell sẽ chặt chẽ và rõ ràng như vậy lần này, bởi vì triển vọng kinh tế thực sự không chắc chắn hơn".

"Theo một nghĩa nào đó, việc ra quyết định của ngân hàng trung ương sẽ dễ dàng hơn khi bạn mắc sai lầm về chính sách và bạn còn một chặng đường dài để đến được nơi mình mong muốn", ông Posen nói.

Người đứng đầu Viện kinh tế quốc tế Peterson cho rằng: "Sẽ khó khăn hơn khi bạn phải tính toán để có được chính sách phù hợp nhưng lại không chắc mình có đạt được điều đó không, và đó chính là tình hình hiện nay của Fed".

Tin liên quan
Tin khác