Một nhà máy lọc dầu tại Gubkinsky, phía Tây Siberia, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đáp lại, ba ngày sau khi Phó thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố rằng Moskva sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày gây biến động đến thị trường năng lượng, Mỹ đã công bố kế hoạch xuất thêm 285.000 thùng dầu mỗi ngày từ kho dự trữ quốc gia.
Hai động thái trên là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến trên mặt trận dầu mỏ đã bùng nổ giữa Nga và Mỹ.
Báo Nezavisimaya Gazeta (Nga) đưa tin nhiều chuyên gia cho rằng quyết định của Điện Kremlin cuối cùng sẽ dẫn đến hiện tượng tăng giá dầu thô Urals của Nga cũng như giá dầu trên toàn cầu.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu xuất khẩu dầu khí của Nga đã giảm gần 40% trong tháng 1. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Viện Tài chính Quốc tế, Đại học Columbia và Đại học California vẫn bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt dầu mỏ của phương Tây nhằm vào Nga. Bởi lẽ, lệnh áp đặt trần giá ở mức 60 USD/thùng với dầu của Nga đã có hiệu lực gần ba tháng nhưng thực tế giá của mặt hàng này vẫn duy trì trên mức đó trong ít nhất một tháng.
Các chuyên gia cũng đang bất đồng ý kiến về quyết định giảm sản lượng dầu của Nga. Nhà phân tích Andrey Maslov của Finam tin rằng bước đi này sẽ ít tác động đến giá cả.
Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường hàng hóa tại Otkritie Investment, Oksana Lukicheva lại chỉ ra rằng quyết định Nga đã phần nào tác động đến giá cả toàn cầu, do kỳ vọng cắt giảm sản lượng giúp thị trường dầu không bị sụp đổ, mặc dù nhu cầu vẫn ở mức thấp theo mùa và khối lượng dầu lưu thông vẫn chưa giảm.
Theo nhà phân tích trên, mục tiêu chính của động thái giảm sản lượng dầu của các công ty Nga là để cân bằng giữa cung và cầu sau lệnh cấm vận xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).