Thị trường xuất khẩu tốt giúp Nafoods tăng mạnh doanh thu, lợi nhuận quý 3/2021 |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafood Group (HOSE: NAF) cho hay, 9 tháng đầu năm nay doanh thu của công ty ước đạt 1.207 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng 9 tháng ước đạt 60.5 tỷ đồng, tăng 19%.
Trong đó, riêng quý 3/2021, doanh thu của công ty đạt 412 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ; Lợi nhuận ròng ước đạt 20.5 tỷ đồng, tăng 52%.
Theo kế hoạch đề ra, năm 2021, Nafood đặt mục tiêu doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 76 tỷ đồng (lần lượt tăng 23% và 24% so với thực hiện năm 2020). Như vậy, 9 tháng đầu năm, Nafoods đã hoàn thành hơn 80% kế hoạch này.
Theo thông tin công ty, trong Quý III, châu Âu vẫn là thị trường chủ lực, đóng góp lớn nhất vào kết quả doanh thu của công ty. Nhóm các sản phẩm công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng khả quan, với các sản phẩm chủ lực từ Chanh leo, Thanh long, Xoài, Dứa…
Trong khi đó, các sản phẩm sấy và hạt dinh dưỡng đã chính thức thâm nhập vào kênh siêu thị tại thị trường Nga, hứa hẹn mang lại mức doanh số cao và ổn định cho công ty trong thời gian tới. Đáng chú ý, mảng kinh doanh cây giống xác lập kỷ lục mới, khi công bố cán đích kế hoạch cả năm 2021 chỉ sau 8 tháng.
Ông Hùng cho hay, số hóa và việc tất cả cán bộ, nhân viên của công ty đã được tiếp cận vắc-xin Covid 19 là yếu tố giúp doanh nghiệp có được kết quả kinh doanh tốt trong 9 tháng, toàn bộ hệ thống của công ty từ Bắc tới Nam vẫn duy trì hoạt động 3 tại chỗ. Với kết quả đạt được 9 tháng, Chủ tịch Nafoods tin tưởng, công ty sẽ sớm hoàn thành mục tiêu doanh thu, lợi nhuận trong quý IV/2021, vượt tối thiểu 10% mục tiêu doanh thu, lợi nhuận cả năm.
Mặc dù kết quả kinh doanh lạc quan, song lãnh đạo Nafoods vẫn kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ. “Với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, chúng tôi hết sức thông cảm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, với những doanh nghiệp đang chấp nhận giảm lợi nhuận, duy trì hoặc tăng số công nhân thì tại sao không hỗ trợ? Chính những doanh nghiệp này là đầu kéo của nền kinh tế. Do đó, chính sách hỗ trợ phải được công bằng”, ông Hùng đề nghị.
Theo Nafoods, nông nghiệp là ngành ưu tiên nhưng hiện nay hầu hết các chính sách hỗ trợ đều đưa ra tiêu chí chỉ hỗ trợ doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng là thiếu hợp lý. Với những ngành đang khuyến khích phát triển, không nên giới hạn là doanh nghiệp doanh thu dưới 200 tỷ đồng, mà với doanh nghiệp doanh thu 1.000 tỷ đồng nhưng duy trì được lao động, tăng trưởng và nộp thuế đầy đủ thì cũng cần được hỗ trợ.
Ngoài ra, đại diện Nafoods cũng đề nghị có gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hợp tác xã, nông dân. Bởi nếu không có vốn, nông dân ngừng sản xuất thì doanh nghiệp sẽ không có vùng nguyên liệu và đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, ngân hàng cũng nên cấp thêm hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp dù đã hết hạn mức nhưng có kế hoạch kinh doanh tốt, đơn hàng tốt và uy tín.