Thời sự
Năm 2015, GDP tăng 6,2%, bội chi 226.000 tỷ đồng
Quang Hưng - 10/11/2014 15:39
() Đầu giờ chiều nay (10/11), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
TIN LIÊN QUAN

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cụ thể được Quốc hội thông qua gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,2% so với năm 2014; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng  10% so với năm 2014; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu  5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 5%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30% - 32% GDP; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%... Có 445 đại biểu - tương đương 89,54% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

   
     

Theo đó, năm 2015, Chính phủ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: 

1. Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế. Tập trung hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã duyệt. Rà soát, bổ sung các chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam và tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy, biên chế gắn với yêu cầu xóa bỏ sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan và tín dụng ngân hàng; tạo ra những điều kiện cần thiết để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là đối với khu vực kinh tế tư nhân trong năm 2015.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ, tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. 

3. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định. Bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, vốn hỗ trợ cho ngư dân gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; tập trung vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp bách có khả năng hoàn thành trong năm 2015 tạo điều kiện tăng năng lực sản xuất, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế.

4. Tiếp tục bảo đảm chính sách an sinh xã hội; bảo đảm lộ trình tăng lương tối thiểu theo quy định của Bộ Luật lao động đối với khu vực sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm quá tải bệnh viện tuyến trung ương và tuyến dưới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Cũng trong chiều 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 với tỷ lệ 88,13% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Trong đó, một số cân đối lớn của nền kinh tế 2015 được dự kiến như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 911.100 tỷ đồng; nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 921.100 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.147.100 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 226.000 tỷ đồng, tương đương 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện từ ngày 01/01/2015.

Phân bổ, quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công. Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán các khoản nợ của ngân sách nhà nước, thu hồi các khoản tạm ứng. Không bố trí vốn đối với các dự án mới chưa cấp bách.

Trong trường hợp giải ngân vốn ODA vượt dự toán, Chính phủ phải báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện; đẩy mạnh hợp tác theo hình thức công tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn nhà nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Xem chi tiết dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 tại đây.

Xem chi tiết báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 tại đây

Xem chi tiết dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 tại đây

Xem chi tiết báo cáo tiếp thu , giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 tại đây.
 

Tin liên quan
Tin khác