Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp sáng 16/8. Ảnh: Thành Chung |
Cuộc họp sáng ngày 16/8 của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã cho ý kiến về việc Dự thảo Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước phải bán. Đây là phần việc đã được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đã được hoàn tất phần lấy ý kiến các bộ, địa phương.
Như vậy, sau khi có ý kiến của Phó thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm hoàn tất để trình Thủ tướng Chính phủ.
Từ đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng các địa phương rà soát các công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên có vốn nhà nước (không rà soát doanh nghiệp cấp 2 trở xuống); xác định tỷ lệ thoái vốn hàng năm, căn cứ tiêu chí doanh nghiệp nhà nước tại Quyết định số 58/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và lộ trình thoái vốn hàng năm theo Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành, lĩnh vực trong năm 2017 và Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất năm 2017 sẽ bán vốn tại 161 doanh nghiệp, năm 2018 là bán vốn tại 185 doanh nghiệp, năm 2019 tại 65 doanh nghiệp và năm 2020 là tại 25 doanh nghiệp.
Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm các doanh nghiệp sẽ thoái theo mệnh giá là hơn 19.779 tỷ đồng (tính sơ bộ theo giá trị niêm yết có thể mang lại tới gần 30.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đây là tỷ lệ tối thiểu và không đóng băng, có nghĩa là sẽ khuyến khích các bộ, địa phương tăng tỷ lệ và đẩy nhanh tiến độ thoái vốn phù hợp với tình hình thị trường.
Về cách làm, dự thảo đang đề nghị cơ chế bán vốn tại các doanh nghiệp cấp 1 này minh bạch, đúng quy định và theo cơ chế thị trường. Với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thì bán vốn thành một số đợt, nhưng mỗi đợt phải ở mức từ 20- 36% tổng số vốn cần thoái để tạo hấp dẫn với nhà đầu tư.
Chỉ đạo về cơ chế thực hiện Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết với những doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn như Habeco, Sabeco, SCIC, PVN, EVN, ACV,... Thủ tướng Chính phủ sẽ có Quyết định riêng về cổ phần hoá, bán vốn nhà nước.
Như vậy, theo yêu cầu của Phó thủ tướng, số doanh nghiệp nhà nước còn lại cần thiết phải được tập hợp đầy đủ trong một Danh mục cần bán vốn để công khai cho các nhà đầu tư biết, tính toán lựa chọn sở trường để đầu tư.