Theo các bác sỹ, nam bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm tại vị trí đốt sống L5-S1 cột sống thắt lưng, nhân nhầy đã thoát ra ngoài bao xơ.
Cú nhảy lên lưng tuy mạnh nhưng đến mức gây thoát vị chứng tỏ đĩa đệm đã bị thoái hóa sớm, mất độ dai từ trước nên gặp tác động đột ngột gây vỡ.
Theo các bác sỹ, bệnh lý xương khớp đang ngày càng trẻ hóa. |
Đĩa đệm là một cấu trúc sụn gồm bao xơ bên ngoài và nhân nhầy bên trong, có tác dụng như một gối đỡ đàn hồi giúp thực hiện các động tác cúi, ưỡn, xoay, nghiêng.
Thoát vị là tình trạng đĩa đệm bị lệch, trượt hoặc hư hại, vòng xơ bị mòn, rách, nhân nhầy thoát ra. Nguyên nhân thoát vị có thể do thoái hóa cột sống, chấn thương sau tai nạn, mang vác vật nặng sai tư thế…
Đĩa đệm L5-S1 nằm giữa đốt sống thắt lưng thứ 5 (L5) và đốt xương cùng thứ nhất (S1), được xem là bản lề của cột sống thắt lưng. Chúng chịu sức ép từ tải trọng phần trên cơ thể và sự chuyển động từ nhiều phía nên khi bị tác động thì nguy cơ cao thoát vị trước tiên.
Bệnh nhân rất trẻ, đĩa đệm, sụn khớp, vòng xơ… đều còn tốt, cột sống không bị mất vững. Do đó, bác sỹ Hà chỉ định phẫu thuật nội soi lấy nhân đĩa đệm thoát vị, giải phóng dây thần kinh, bảo tồn tối đa các cấu trúc khác.
Sau mổ, bệnh nhân hết đau, vận động tốt, xuất viện ngay hôm sau. Người bệnh cần chú ý sinh hoạt, không ngồi lâu, không bê vác nặng, nằm ngủ đệm cứng, rèn luyện các môn thể thao bơi, đu xà và đạp xe giúp giảm áp lực cho cột sống, tránh nguy cơ thoát vị tái phát khiến đĩa đệm ngày một kém đi và mất hẳn chức năng đàn hồi.
Đĩa đệm thường bắt đầu thoái hóa ở độ tuổi 20-25, nên thoát vị thường gặp khi ngoài 30 tuổi. Quá trình thoái hóa đĩa đệm có thể xảy ra sớm ở những người ngồi học, làm việc lâu như học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, tài xế, người thường xuyên bê vác nặng.
Thoát vị đĩa đệm chèn ép các dây thần kinh vùng thắt lưng lâu ngày có nguy cơ dẫn đến tổn thương thần kinh, gây đại tiểu tiện không tự chủ, các chi teo dần, mất khả năng đi lại.
Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm, ThS.Tạ Ngọc Hà, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khuyên mọi người thay đổi thói quen sinh hoạt như ngồi thẳng lưng trên ghế cứng, đứng dậy vận động 2-5 phút sau mỗi 45-60 phút ngồi; tập luyện thể dục thể thao; ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng bất thường như đau vùng thắt lưng sau đó lan dần xuống hông, đùi cẳng chân, bàn chân, ngón chân cộng thêm khó di chuyển.
Cũng vì các bệnh xương khớp, thời gian gần đây, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã tiếp nhận nhiều người trẻ tuổi đến khám, điều trị phục hồi chức năng, vật lý trị liệu vì đau mỏi vai gáy, đau cột sống, đau xương khớp, thoát vị đĩa đệm.
Thậm chí, có những trường hợp mới chỉ 20-22 tuổi đã phải đến khám và kêu ca về tình trạng đau nhức xương khớp. Những cơn đau biểu hiện đặc trưng cho tình trạng thoái hóa khớp sớm.
Lý giải về nguyên nhân khiến bệnh lý xương khớp ngày càng hay gặp ở người trẻ, PGS-TS.Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, lối sống hiện đại khiến con người lười vận động, trong khi đó, thời gian sử dụng máy tính, điện thoại lại nhiều hơn.
Khi ngồi một vị trí, một tư thế mà sử dụng máy tính, điện thoại trong thời gian dài dễ dẫn đến đau mỏi vai gáy, đau cổ…, từ đó kéo theo các bệnh lý về xương khớp gia tăng. Riêng với người làm công việc văn phòng, tỷ lệ mắc bệnh cơ xương khớp hiện đã lên đến hơn 65%.
Chẳng hạn, với tình trạng thoái hóa khớp, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường với sức khỏe. Thoái hóa khớp là tình trạng gây ra bởi sự hao mòn sụn hoặc rách sụn do tổn thương.
Thoái hóa khớp có thể xuất hiện khi người bệnh còn trẻ do các thói quen xấu như lạm dụng rượu bia, nghiện thuốc lá, chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Các chuyên gia lo ngại, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, thoái hóa khớp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Hoại tử xương, viêm khớp, nhiễm trùng khớp, ảnh hưởng gân, dây chằng, vôi hóa sụn khớp, vỡ khớp khi gặp chấn thương, nặng nhất có thể bị tàn phế. Điều này gián tiếp làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động và đẩy chi phí y tế tăng lên.
Nhiều người trẻ thường có tâm lý chủ quan khi xương khớp bị đau nhức vì cho rằng tình trạng này có thể tự khỏi. Thế nhưng thực tế, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về xương khớp nguy hiểm.
Để không tạo điều kiện cho các bệnh nguy hiểm về xương khớp phát triển, mỗi người dù già hay trẻ nên có ý thức về việc phòng bệnh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để giúp cho cơ bắp và xương chắc khỏe hơn, mỗi người cần luyện tập thể dục, thể thao với những bài tập phù hợp như: Bơi, đạp xe, đi bộ, tập thể dục, dưỡng sinh...
Nên tập với tư thế tốt nhất cho các khớp xương bằng cách đứng thẳng, tránh nằm lâu, leo cầu thang, ngồi lâu, đứng lâu một chỗ gây ứ trệ tuần hoàn máu và cứng khớp. Ngoài ra, khi ngồi làm việc, mọi người nên chú ý giữ thẳng lưng, không ngồi xổm...
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, hãy hạn chế luyện tập với cường độ mạnh, tránh tăng cân nhiều và luôn biết cách hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời buổi sáng sớm.
Đặc biệt, thay vì ngồi làm việc liên tục 3-4 tiếng, thì sau 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ, mỗi người nên đứng dậy vận động tại chỗ 5-10 phút giúp cơ xương khớp linh hoạt.
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng ban đầu của bệnh như đau vùng vai gáy, đau ở thắt lưng, đau vùng gót chân, đau ở các khớp... cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám, tránh sử dụng các sản phẩm giảm đau xương khớp một cách tùy tiện.
Thuốc giảm đau chỉ có thể làm dịu bớt cơn đau khớp hiện tại, chủ yếu là ngăn cho triệu chứng tràn dịch khớp gối không làm ảnh hưởng đến sức khỏe chung của người bệnh.
Phần nào giảm bớt khó khăn trong di chuyển khớp gối. Nếu chỉ sử dụng thuốc giảm đau mà không tập trung điều trị chính vấn đề dịch tích tụ tại khớp gối thì bệnh vẫn không thể hết hoàn toàn.
Người bệnh không được khuyến khích tự mua và uống thuốc giảm đau bởi tác dụng phụ của thuốc giảm đau là gây ra các bệnh lý tiêu hóa như viêm loét dạ dày.
Việc tự uống thuốc giảm đau cũng dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc, là tiền đề của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Người bệnh có nhu cầu uống thuốc giảm đau cần trao đổi với bác sĩ để được chỉ định liều lượng thích hợp
Khi không may mắc các bệnh xương khớp, người dân không nên lạm dụng các loại thuốc giảm đau. Việc bổ sung các vitamin, khoáng chất cần thiết như canxi, vitamin A, B, C, D, E, acid béo omega 3 nên theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.
Để giữ gìn hệ cơ xương khớp khỏe mạnh, người dân cần đảm bảo ngủ đủ 7 - 8 giờ một ngày. Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng, thực phẩm đa dạng.
Một điều quan trọng nữa cần lưu ý là phải uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Uống từ từ, chia làm nhiều lần. Việc uống nước đầy đủ, đúng cách giúp cho hệ tuần hoàn làm việc tốt, tăng khả năng thải độc cho cơ thể qua đường tiết niệu và giúp bôi trơn sụn khớp.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2019, trên toàn cầu có khoảng 528 triệu người đang phải sống chung với bệnh thoái hóa khớp, thường gặp nhất là khớp gối. Trong đó, có khoảng 73% người trên độ tuổi 55 và 60% là phụ nữ. So với năm 1990, tỷ lệ thoái hóa khớp năm 2019 đã tăng 113%.
Theo các chuyên gia, với thực trạng dân số già hóa, béo phì và chấn thương ngày càng tăng, tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp tiếp tục gia tăng trên toàn cầu.