Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) các ngân hàng thương mại (NHTM) năm nay đang gợi mở những kế hoạch sôi động: hầu hết các thành viên đều tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ, thông tin về các kế hoạch sáp nhập hoặc nhận chuyển giao ngân hàng tiếp tục được chú ý.
Cả hai dòng chảy trên đều sẽ góp phần định hình bức tranh và xu hướng hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, làm đậm nét hơn một đặc điểm: cơ hội từ hữu hạn trước “vô hạn”; số lượng ngân hàng không tăng lên và thậm chí giảm đi, trong khi quy mô thị trường và nền kinh tế không ngừng mở rộng.
Cuối năm 2011, hệ thống các NHTM của Việt Nam có tổng 42 thành viên, gồm 5 NHTM nhà nước và 37 NHTM cổ phần. Từ năm 2012, bắt đầu thực hiện tái cơ cấu, số lượng NHTM giảm dần qua hợp nhất, sáp nhập, hoặc Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc những năm sau đó.
Cũng từ giai đoạn đó đến nay Việt Nam không có NHTM được thành lập mới hoàn toàn. Và qua quá trình tái cơ cấu, hiện toàn hệ thống chỉ còn 35 NHTM, gồm 4 NHTM nhà nước, 3 ngân hàng mua lại bắt buộc và 28 NHTM cổ phần.
Số lượng trên trở nên hữu hạn, giảm dần qua tái cơ cấu, dự kiến tiếp tục giảm thêm. Trong khi đó, quy mô của nền kinh tế liên tục tăng trưởng qua các năm, không ngừng mở rộng. Trong điều kiện thị trường vốn chưa phát triển mạnh, thậm chí bộc lộ khó khăn và có phần thu hẹp lại như ở kênh trái phiếu doanh nghiệp vừa qua, một phần quan trọng của sức đỡ và động lực cho quy mô nền kinh tế mở rộng tập trung vào hệ thống NHTM.
Khi số lượng NHTM không những không tăng lên mà còn giảm đi, vai trò của động lực trên càng mở rộng hơn đối với mỗi nhà băng hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa quy mô hoạt động kinh doanh càng mở rộng theo quy mô tăng trưởng của nền kinh tế. Để nắm bắt cơ hội, cũng như giữ được vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế, ít nhất qua phát triển tín dụng, các nhà băng buộc phải tăng vốn.
Nhưng cơ hội không mở rộng cho tất cả. Thực tế nhiều năm qua nhiều NHTM đã không thể tăng được vốn điều lệ, với những nguyên do khác nhau; ngược lại, những thành viên khác đều đặn nâng sức vốn để mở rộng thị phần, qua vị thế quy mô tổng tài sản không ngừng tăng lên cùng quy mô lợi nhuận.
Diễn biến trên cũng phản ánh rõ trong dữ liệu thống kê định kỳ của Ngân hàng Nhà nước công bố. Một điểm liên quan được chú ý, bên cạnh việc khó nắm bắt được cơ hội gia tăng thị phần và quy mô, những NHTM không hoặc khó tăng vốn điều lệ còn gặp trở ngại trong yêu cầu đáp ứng đủ vốn, khi mà hệ thống đã tiến tới áp dụng Basel II.
Cụ thể, dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2020 đến nay vẫn tách rõ hai “hạng mục”: nhóm NHTM đều đặn tăng vốn và đáp ứng yêu cầu đủ vốn theo Basel II (theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước), và nhóm vẫn đang phải tính yêu cầu đủ vốn ở cấp độ thấp hơn (theo Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước).
Nói cách khác, những thành viên đều đặn tăng được vốn điều lệ sẽ có bộ đệm an toàn vốn dày dặn hơn, có sức nâng tăng trưởng tín dụng cao hơn để mở rộng thị phần, cũng như có điều kiện để đẩy mạnh hơn nguồn lực đầu tư, đặc biệt là cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xu thế mạnh mẽ những năm gần đây và hiện nay.
Chuyển hóa cơ hội thành hiệu quả, nhìn từ SHB
Nhìn lại quá trình tái cơ cấu và phát triển hệ thống nói trên, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là trường hợp khá đặc biệt: vừa tiên phong tham gia tái cơ cấu hệ thống qua sáp nhập ngân hàng khác, vừa đều đặn tăng được vốn điều lệ suốt những năm qua để nắm bắt các cơ hội.
Đều đặn chi trả cổ tức cho cổ đông và nâng sức vốn, đến cuối năm 2022 quy mô vốn điều lệ của SHB đã ở Top 5 NHTM cổ phần lớn nhất. Đi cùng, thị phần thể hiện qua quy mô tổng tài sản của ngân hàng này cũng đã ở Top 10 các NHTM hàng đầu Việt Nam. Giá trị thương hiệu cũng liên tiếp góp mặt và tăng hạng ấn tượng trong Top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới…
Năm 2023, theo kế hoạch dự kiến, SHB tiếp tục đặt mục tiêu tăng mạnh vốn điều lệ lên hơn 36.600 tỷ đồng; trong đó, tỷ lệ chi trả cổ tức cho năm 2022 dự kiến đạt tới 18%, cao nhất những năm qua. Cùng với kế hoạch này, SHB dự kiến cũng sẽ sớm hoàn tất việc chuyển nhượng 50% cổ phần đợt đầu tại SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri (Thái Lan) để mang lại thặng dư đáng kể cho cổ đông.
Tăng vốn thành công, SHB sẽ có thêm sức nâng vốn để nắm cơ hội mở rộng phía trước như đề cập ở trên. Nhưng, quan trọng hơn, cơ hội đó được chuyển hóa rõ rệt vào hiệu quả hoạt động.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 và chỉ tiêu kế hoạch 2023, SHB tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu ở Top 10 hiệu quả nhất toàn hệ thống NHTM Việt Nam, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt trên 20%. Cũng như tỷ lệ cổ tức, sức sinh lời này cao hơn nhiều lần so với lãi suất tiết kiệm - một so sánh cơ bản nhất, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư trở nên khó khăn và thậm chí tiềm ẩn rủi ro.
Cùng đó, với vốn điều lệ gia tăng, bộ đệm tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của SHB dự kiến sẽ duy trì trên 12% theo chuẩn Basel II, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu Ngân hàng Nhà nước quy định (8%). Và đáng chú ý, bên cạnh chỉ số ROE ở mức cao, SHB đang sở hữu chỉ số hiệu quả vận hành hàng đầu thị trường khi tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) chỉ 22,7% năm qua, cũng như đặt mục tiêu giữ ổn định trong năm nay.
Mục tiêu giữ ổn định CIR là một điểm được chú ý tại SHB, trong một năm nhiều kế hoạch đầu tư cho các yếu tố nền tảng đã được xác định. Cụ thể, theo chia sẻ của một lãnh đạo chuyên trách mới đây, trong năm 2023 SHB sẽ triển khai hơn loạt dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cùng với việc đầu tư mở mới 5 chi nhánh và 25 phòng giao dịch.
Tháng 5/2023, SHB cũng sẽ ra mắt nền tảng ngân hàng số hoàn toàn mới, qua đó tiếp tục nâng cao hơn nữa trải nghiệm cho khách hàng, cụ thể hóa thêm động lực cho chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ hiện đại hàng đầu tại Việt Nam.