Theo suốt chiều dài lịch sử, các dòng sông đã luôn đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa của nhân loại. Đằng sau mỗi kinh đô phồn thịnh là bóng dáng của một dòng sông. Nếu như người Pháp tự hào về sông Seine lãng mạn chảy qua thành phố Paris, người Nga gửi gắm tâm hồn vào sông Volga hùng vĩ, người Ấn Độ gìn giữ sông Hằng linh thiêng và vĩ đại… thì tại Việt Nam, cũng có những dòng sông đã chung thủy theo cùng mỗi giấc mơ của người Quảng Đà.
Từ khát vọng sông Hàn
Sông Hàn đi từ ngã ba sông giữa quận Cẩm Lệ, Hải Châu và Ngũ Hành Sơn, êm đềm chảy giữa lòng thành phố rồi đổ ra cửa biển. Ít người nhắc lại rằng, Sông Hàn - là cái tên bắt nguồn từ lịch sử, khi cha ông khóa cửa sông bằng xích sắt để ngăn tàu giặc tiến sâu vào thành phố. Đi qua những năm tháng đau thương, sông Hàn đã kiên cường gắn bó cùng người Đà Nẵng, chứng kiến mỗi giai đoạn đổi thay về tinh thần lẫn sắc vóc của một vùng đất anh hùng.
Sông Hàn ngày ấy |
Vào thế kỷ 19, sông Hàn là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch để Đà Nẵng trở thành thương cảng lớn bậc nhất miền Trung. Trên bến dưới thuyền, người dân tứ phía đổ về sông Hàn giao thương. Sang thế kỷ 20, nhiều công trình dọc bờ Tây sông Hàn bắt đầu mọc lên, làm nên diện mạo sơ khởi của một thành phố. Đặc biệt, năm 1998, cầu sông Hàn được xây dựng bằng chính ý tưởng và sự đóng góp của người dân, đánh một dấu son tuyệt đẹp cho chặng đường phát triển mới của Đà Nẵng. Cây cầu kết nối hai bờ sông Hàn, trở thành động lực quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang du lịch, dịch vụ của thành phố trong thế kỷ 21.
Ngày nay, diện mạo của đô thị bên sông Hàn đã đạt đến một sức sống mãnh liệt. Các đề án quy hoạch đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng được thành phố chú trọng đầu tư, làm đòn bẩy cho sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Các tuyến đường dọc sông Hàn giờ đây đã mọc lên nhiều công trình tầm cỡ. Bến cảng ngày trước giờ đã là bến du thuyền, thu hút khách du lịch thưởng ngoạn sông nước bên phố thị về đêm. Đặc biệt, nhiều cây cầu đã lần lượt được bắt qua sông Hàn, tạo nên vẻ đẹp lấp lánh phồn hoa của một thành phố trẻ.
Thành phố bên sông Hàn tươi đẹp và thịnh vượng ngày hôm nay |
Sông Hàn đã sống trọn vẹn đời sống với thành phố của mình qua hàng thế kỷ, lưu giữ cái hồn, cái sắc, trở thành một mạch nguồn văn hóa trong tâm tưởng của nhiều thế hệ người Đà Nẵng. Dòng sông định hình thương hiệu “thành phố bên sông Hàn” đầy cá tính và hiện đại, mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch, kinh tế và góp phần biến Đà Nẵng trở thành 1 trong 15 điểm đáng đến nhất thế giới năm 2019, theo xếp hạng của The New York Times.
Đến sự hồi sinh của sông Cổ Cò
Sông Cổ Cò chảy dài theo bờ biển, nối sông Hàn với sông Thu Bồn, Quảng Nam. Từ thế kỷ 16, 17, sông Cổ Cò đã được xem là “con đường tơ lụa” giữa Đà Nẵng và Hội An, nơi các thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa thường xuyên ra vào buôn bán. Trong ký ức con người nơi đây, Cổ Cò là một vùng sông nước trong xanh, hai bên bờ cảnh sắc hữu tình, thuyền bè tấp nập. Tuy nhiên, đến thế kỷ 19, do sự biến thiên của khí hậu, thổ nhưỡng, dòng Cổ Cò dần bị phù sa bồi lấp.
Non xanh nước biếc trên dòng Cổ Cò nay |
Đến năm 2019, nhận thấy vai trò quan trọng của tuyến sông huyết mạch một thời, UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã thống nhất thông luồng toàn tuyến sông Cổ Cò trước tháng 9/2020, với tổng kinh phí đồng bộ, chỉnh trang dòng sông lên đến 1.500 tỷ đồng. Thêm vào đó, dự án xây dựng cầu Cổ Cò mới bắt qua sông Cổ Cò tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn cũng đã được Sở Kế hoạch và đầu tư thông qua, làm một điểm kết nối quan trọng trên con đường giao thương, du lịch giữa hai thành phố.
Việc nạo vét lòng sông Cổ Cò, phá bỏ đập Bờ Quang sẽ giúp cho con sông sống dậy đúng với tầm vóc của chính mình ngày trước. Từ đây, thay vì đi trên các cung đường bộ, người dân và du khách lại có thể du thuyền men theo sông Cổ Cò len lỏi qua từng miền đất trù phú, xinh đẹp: từ núi Ngũ Hành Sơn xuôi về phố cổ, dễ dàng tiếp cận với bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm, đèo Hải Vân… như một cuộc hành hương và thăm thú non sông đất nước.
Trong định hướng phát triển đô thị phía Nam của thành phố Đà Nẵng, sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan mà còn thúc đẩy du lịch nghỉ dưỡng phát triển. Nhiều khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, biệt thự ven sông sẽ sớm được hình thành dọc theo 28km đường bờ sông. Một nền văn hóa đặc sắc bên dòng sông Cổ Cò sẽ được thiết lập, giữa nhịp sống hiện đại đưa con người trở về với thiên nhiên sông nước.
Và tương lai phồn thịnh bên sông Cổ Cò tương lai |
Định hình “đô thị dòng chảy” Đà Nẵng – Hội An, tại sao không?
Trên thế giới, nhiều thành phố đã phát triển men theo dòng lịch sử cùng các con sông, trở thành những biểu tượng du lịch, văn hóa nổi tiếng. Điển hình như thành phố Venice cổ kính tuyệt đẹp của Italia bên dòng kênh Grand Canal phẳng lặng, làm say đắm lòng người với nhiều công trình kiến trúc tinh hoa cổ xưa. Như thành phố St Peterburg của Nga có con sông Neva kiều diễm, chảy qua Cung điện Mùa Đông, Thánh đường Isaacs, mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách đến viếng thăm. Như phố Clarke Quay – bến sông lịch sử của Singapore, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa từ Trung Quốc, Malaysia đến Ấn Độ, với hệ thống cảnh quan đầy tinh vi và sống động…
Vẻ đẹp say đắm của Venice – đô thị bên sông lãng mạn bậc nhất thế giới |
Những đô thị có quy hoạch hạ tầng, tiện ích đồng bộ, kiến trúc độc đáo, tựa vào dòng sông sẽ mở ra cơ hội kinh doanh du lịch, lưu trú, quảng bá văn hóa đầy tiềm năng. Theo đó, dòng Cổ Cò hồi sinh sẽ viết tiếp câu chuyện của sông Hàn, định hình cho Đà Nẵng trở thành một “đô thị dòng chảy” mới của thế giới.
Đối với thành phố Đà Nẵng và Hội An, dự án khớp nối sông Cổ Cò có ý nghĩa cực kì quan trọng: vừa xây dựng đô thị mới, hình thành mối liên kết vùng vững chắc, vừa dịch chuyển mạnh nền văn hóa du lịch lên những con sông. Dòng chảy vô hình này đồng thời đem đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế giữa một bên là áp lực mà đô thị cổ Hội An đang cần được chia sẻ, một bên là đô thị mới Đà Nẵng đang muốn bứt phát.
One World Regency –một đô thị hiện đại sắp thành hình bên dòng sông Cổ Cò |
Theo số liệu của Sở Văn hóa Du lịch, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, có hơn 4,3 triệu lượt khách tới Đà Nẵng và 4 triệu lượt khách tới Hội An, (tăng lần lượt 15,1% và 17% so với cùng kỳ năm 2018). Với lượng khách đổ về ngày càng tăng cao, loại hình du lịch đường sông trên sông Cổ Cò được kỳ vọng sẽ trở thành xu hướng mới của ngành du lịch năm 2020. Du khách hoàn toàn có thể nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng rồi thăm phố cổ Hội An bằng đường sông và ngược lại, thay vì phải dịch chuyển lưu trú như hiện nay.
Tính chất cộng hưởng nhiều mặt của dự án này sẽ khoác lên tấm áo mới cho Đà Nẵng, biến thành phố bên sông Hàn trở thành một “đô thị dòng chảy” thực thụ, làm thay đổi diện mạo kinh tế cho toàn khu vực.