Diễn biến 7 tháng đầu năm
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm có một số điểm vượt trội. Nếu cùng kỳ năm trước, xuất khẩu bị giảm sâu (9,0%), thì kỳ này xuất khẩu đã tăng khá cao (tăng 15,7%, hay tăng 30,833 tỷ USD). Điều đó chứng tỏ xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Xuất khẩu tăng trưởng trở lại đạt được ở cả 2 khu vực, trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (21,1% so với 13,8%). Điều đó chứng tỏ khu vực trong nước đã khai thác tốt hơn các nguồn hàng có thế mạnh từ trong nước (như gạo, rau quả, cà phê, hạt tiêu, cao su, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ…), các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, các thị trường lớn...
Sự phục hồi tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở nhiều mặt hàng chủ yếu. Có 30/34 mặt hàng chủ yếu tăng, trong đó mức tăng khá (trên 100 triệu USD) có 24, đặc biệt có 6 mặt hàng đạt mức tăng lớn (trên 1 tỷ USD) là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện.
Mới qua 7 tháng, đã có 30 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 7 mặt hàng đạt trên 8 tỷ USD như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (gần 39,9 tỷ USD), điện thoại và linh kiện (trên 32,4 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (trên 27,6 tỷ USD)…
Một số mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng như hạt điều, gạo, cao su, chè, hạt tiêu, chất dẻo, xơ sợi dệt, sắt thép, sắn và sản phẩm sắn... Một số mặt hàng có đơn giá xuất khẩu tăng, như cà phê (51,9%), gạo (18,2%), hạt tiêu (45%), cao su (14,8%), sắn và sản phẩm của sắn (13,9%)...
Xuất khẩu tăng ở hầu hết các địa bàn có thị trường.
Nhập khẩu cũng đạt được những kết quả tích cực, nếu cùng kỳ năm trước bị giảm sâu (-17,1%), thì kỳ này tăng khá (18,8%). Điều đó chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu để đáp ứng sản xuất, đời sống trong nước đã cao lên, vừa để tranh thủ khi giá nhập khẩu giảm.
Xuất siêu kỳ này đạt được sự vượt trội. Cụ thể, tiếp tục xuất siêu cả về mức tuyệt đối (1,4 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu so với xuất khẩu (6,2%). Xuất siêu đạt được trong khi tiêu dùng cuối cùng tăng thấp hơn tốc độ tăng của GDP sản xuất, nên xuất siêu tăng đã góp phần làm tăng GDP sản xuất. Xuất siêu tăng sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, tăng sức hấp dẫn về kinh tế, góp phần vào các quan hệ về đầu tư, du lịch, ngoại giao, chính trị với các nước.
Ngoài ra, xuất siêu tăng làm tăng thặng dư cán cân thương mại, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối (hiện đã đạt trên 100 tỷ USD, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia khi vượt qua 3 tháng nhập khẩu theo thông lệ quốc tế, can thiệp khi tỷ giá biến động lớn...).
Kỳ vọng thời gian tới
Diễn biến xuất nhập khẩu, xuất siêu trong 7 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để cả năm 2024 đạt kỷ lục mới về quy mô xuất siêu. Giả thiết tốc độ tăng trong thời gian còn lại bằng với tốc độ tăng trong 7 tháng đầu năm, thì cả năm 2024 xuất khẩu đạt 410 tỷ USD, nhập khẩu đạt 386,8 tỷ USD, xuất siêu đạt trên 23 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu 5,7%.
Nếu dự đoán trên là đúng, thì năm 2024 là năm thứ 9 liên tục xuất siêu - thời kỳ dài nhất so với các thời kỳ trước đó. Mức xuất siêu năm 2024 sẽ là mức cao thứ hai từ trước tới nay. Xuất siêu đạt được trong điều kiện xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng lên (khác với năm trước, tuy xuất siêu nhưng xuất, nhập khẩu đều giảm, trong đó nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu).
Xuất siêu tăng sẽ góp phần tăng GDP sản xuất (với mục tiêu cao hơn nhiều so với thực hiện năm trước; cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ quốc tế để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia (vượt qua 3 tháng nhập khẩu theo thông lệ quốc tế, vượt qua dư nợ ngắn hạn quốc tế...).