Theo thống kê của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi (592 đập dâng, 6723 hồ chứa) với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia có hệ thống thủy lợi phát triển nhất thế giới.
Các hồ chứa thủy lợi “gánh” trên vai nhiều nhiệm vụ trọng yếu như: Cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ và phục vụ đa mục tiêu như cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch…
Tuy nhiên, hệ thống hồ đập của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Mưa lũ bất thường, lũ quét do biến đổi khí hậu và nhiều công trình đã xuống cấp gây ra nguy cơ lớn về an toàn. Nhiều hồ chứa được chuyển sang phục vụ đa mục tiêu, đặt ra yêu cầu tính toán lại nhiệm vụ và thông số thiết kế.
“Hầu hết các hồ chứa thủy lợi được xây dựng trước năm 2000, khi thiết kế chưa đánh giá hết khả năng thoát lũ ở hạ du; tại nhiều khu vực, nhu cầu nước cho sản xuất lớn hơn khả năng đáp ứng của hồ chứa…”, ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi chia sẻ tại Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới”.
Sự kiện do Cục Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 19/11.
Các đại biểu tham gia Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam |
Theo ông Thành, một số hồ lớn đã xây dựng bản đồ ngập lụt nhưng chưa được đánh giá năng lực thoát lũ hạ du; nhiều hồ chứa nhỏ chưa có phương án đảm bảo an toàn hồ đập và phòng lũ hạ du. Hành lang thoát lũ ở hạ du của một số hồ chứa lớn bị xâm lấn, dòng chảy co hẹp, không đảm bảo thoát lũ thiết kế, gây ra úng ngập hạ du khi vận hành xả lũ.
Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo mưa, lũ, nguồn nước đến hồ còn hạn chế. Ngoài ra, tổ chức bộ máy quản lý, khai thác; công tác hiện đại hóa quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn đập còn hạn chế…
Trước những thách thức kể trên, các ý kiến tại diễn đàn cho rằng trong tình hình mới hiện nay, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ về xây dựng, hoàn thiện chính sách.
T.S Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam nhận định rằng để đảm bảo hoạt động an toàn hồ đập, trước tiên phải đảm bảo công trình “có chủ”, đi cùng với đó là các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và giải pháp đảm bảo tài chính cho quản lý hồ đập.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, trong đó chú trọng năng lực quan trắc, phân tích số liệu đo đạc để phát hiện rủi ro từ sớm. Bên cạnh đó, các hồ đập cần được đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực xả lũ để đảm bảo hoạt động an toàn trong tình hình mới.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH MTV sông Chu cho biết, đơn vị đang được giao quản lý 76 hồ đập. Song công ty gặp nhiều khó khăn khi nguồn thu chủ yếu là nguồn thủy lợi phí do nhà nước chi trả hộ người dân. Việc vận hành các hồ đập còn thủ công, do công ty không có nguồn kinh phí lớn để lắp đặt thiết bị quan trắc, cắm mốc, dự báo, cảnh báo...
Trong khi đó, giá thủy lợi phí áp dụng từ năm 2012 đến nay chưa thay đổi, còn tiền lương, điện, vật tư… không ngừng tăng. Dẫn tới đơn vị “hụt hơi” trong hoạt động bộ máy, công tác duy tu bảo dưỡng, phòng chống thiên tai.
Ông Lương Văn Anh, Phó cục trưởng Cục Thủy lợi cho hay, nguồn thu thủy lợi phí cần lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, các địa phương, nên hiện tại chưa thống nhất được.
Trong tình hình mới, các hồ chứa thủy lợi cũng như hồ chứa thủy điện đều hướng đến đa mục tiêu. Do đó, đại diện Cục Thủy lợi cho rằng đây là dư địa để các nguồn lực xã hội hóa về khoa học, công nghệ có thể đóng góp, giúp ổn định cuộc sống người dân.
Thời gian tới, Cục Thủy lợi cam kết gấp rút hoàn thiện các dự thảo liên quan đến chính sách, cơ chế vận hành liên hồ chứa. Đồng thời, bổ sung các quy định hỗ trợ cho các hồ chứa nhỏ, giúp thủy lợi cơ sở có thêm động lực quản lý, vận hành một cách hiệu quả.