Theo đó, 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế.
Bộ Y tế đề xuất 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế. |
Việc nâng cấp 5 bệnh viện này là để giảm số người Việt Nam chảy máu ngoại tệ khi nhiều người Việt phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định, các bác sĩ của Việt Nam hiện nay đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, không thua kém các nước.
Điển hình như các kỹ thuật về ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán nha khoa, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ…
Sự phát triển về kỹ thuật y tế này không chỉ đáp ứng khám chữa bệnh cho người dân trong nước, mà còn thu hút nhiều Việt kiều về nước khám chữa bệnh.
Theo Bộ Y tế, các cơ sở y tế quốc gia cần được đầu tư theo hướng mở rộng quy mô về giường bệnh và diện tích mặt bằng, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để thực hiện các chức năng nhiệm vụ của cơ sở y tế cấp quốc gia.
Trong quy hoạch thời gian tới, đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương trên 1.000 giường bệnh, suất vốn đầu tư sẽ là hơn 4,42 tỉ đồng cho một giường bệnh, trong đó chi phí xây dựng là gần 2,2 tỉ đồng, còn chi phí thiết bị là hơn 2 tỉ đồng.
Mỗi suất vốn đầu tư bao gồm chi phí xây dựng các công trình khám, điều trị bệnh nhân (ngoại trú, nội trú, phòng mổ, xét nghiệm, khoa dược…) và các công trình phục vụ (bếp, kho, nhà để xe, khu hậu cần…), chi phí trang thiết bị y tế hiện đại và đồng bộ phục vụ khám, chữa bệnh, phục vụ sinh hoạt, nghỉ ngơi của nhân viên y tế, bệnh nhân.
Theo đó, các bệnh viện tuyến Trung ương cần phải được nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực; trong đó cần chú trọng đầu tư hệ thống giường bệnh hồi sức tích cực, đầu tư nâng cấp cả các trang thiết bị, hạ tầng đồng bộ… Bên cạnh đó, cần tăng quy mô đào tạo của các trường đại học y dược để đảm bảo nhu cầu về nguồn nhân lực.
Cũng trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư 20 bệnh viện chuyên khoa, một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng (gồm 20 bệnh viện đa khoa, bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới) ở những địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến trung ương (trung du, miền núi phía Bắc) và vùng có mật độ dân số cao (Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ).
Cũng tại quy hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ định hướng phát triển khu vực y tế ngoài công lập tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, khám chữa bệnh theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân.
Đồng thời mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân đạt 10% tổng số giường bệnh cả nước vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 35 giường bệnh, 15 bác sĩ, 3,4 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng trên 10.000 dân.
Đến năm 2030 là 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng. Năm 2050 là 45 giường bệnh, 35 bác sĩ, 4,5 dược sĩ đại học, 90 điều dưỡng.
Liên quan tới dự án cơ sở hai của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế đã thống nhất các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ lần thứ 2 liên quan đến dự án hai cơ sở này.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là định hướng phát triển mở rộng bệnh viện đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là khu vực miền Trung. Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình triển khai còn một số vướng mắc.
Bà Lan cho biết với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã làm việc với các bộ, ngành tìm phương án giải quyết vướng mắc. Về cơ chế, trong ngày 11/8, Bộ Y tế đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giải quyết việc này.
Cho rằng các công việc còn lại của dự án này còn rất ít, vì thế người đứng đầu ngành Y tế đề nghị lãnh đạo bệnh viện đảm bảo về chuyên môn, nhân lực, chủ động phương án phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế, để khi dự án hoàn thành, bệnh viện sẽ tiếp quản, nhanh chóng đưa cơ sở 2 vào sử dụng.
Vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết cơ bản các nhiệm vụ để triển khai xây lắp 2 bệnh viện ngàn tỉ này đã đạt 80-90%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vướng mắc trong quá trình thanh toán, hoàn thiện các dự án này.
Sau đó một tổ công tác gồm các thành viên của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng phương án để báo cáo lên Chính phủ đề xuất các giải pháp để nhanh chóng đưa các bệnh viện này vào sử dụng.