Sức khỏe doanh nghiệp
Nền tảng giúp ABBANK kỳ vọng tăng tốc chuyển đổi trong năm 2022
Thùy Linh - 25/04/2022 09:02
ABBANK đã hoàn thành kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên với sự đồng thuận cao về kế hoạch hành động năm 2022.

Trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi cơ cấu tổ chức và tư duy hành động cho mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025. 

Đại diện ABBANK cho biết, chuyển đổi trong bối cảnh thị trường khó khăn là một thử thách lớn, nhưng ABBANK đã chuẩn bị nền tảng tốt và sẵn sàng cho những thử thách cao hơn.

2021 là năm bản lề của chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 của ABBANK.

Mặc dù phải chịu tác động tiêu cực khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và hy sinh lợi nhuận hỗ trợ khách hàng, hiệu quả hoạt động của ABBANK vẫn ghi nhận sự phát triển khá ổn định khi hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 1.979 tỷ đồng nhờ việc tăng năng suất lao động bình quân/đầu người và giảm chi phí hoạt động hiệu quả nhờ số hóa công tác quản trị, vận hành. Nợ xấu trên tổng dư nợ tiếp tục được ABBANK kiểm soát chặt chẽ ở mức 1,45%, tuân thủ quy định của NHNN.  

Trong năm 2021, ABBANK đã thu hồi được 1.970 tỷ đồng nợ xấu, vượt 19% so với kế hoạch đầu năm; chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu RoE đạt 16,4%; tỉ lệ an toàn vốn CAR đạt 12,79%.

Dự kiến, trong năm 2022 ABBANK sẽ mua lại hết nợ xấu tại VAMC. Năm 2021, ABBANK cũng bắt đầu áp dụng chi trả lương theo năng suất lao động đối với lực lượng bán hàng, thẩm định phê duyệt tín dụng và cán bộ giao dịch tại quầy, đẩy năng suất lao động bình quân đầu người tăng lên mức 511 triệu đồng/người/năm, tương đương tăng 42% so với năm 2020. 

Theo đuổi chiến lược ngân hàng bán lẻ, các kế hoạch hành động nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng cá nhân và SMEs được ABBANK chú trọng lên kế hoạch ngay từ đầu năm 2021 và đặc biệt là khi dịch Covid-19 bùng phát.

Nhờ đó, tỷ lệ tổng thu nhập từ bán lẻ trên tổng thu nhập khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế đạt 70,9%, vượt 13% so với kế hoạch đầu năm.

Đầu tư bài bản cho năng lực lõi

Trong năm 2021, để nâng cao năng lực lõi trong quản trị và vận hành phù hợp với mô hình chuyển đổi, ABBANK chú trọng đầu tư số hoá triệt để hàng loạt các khâu trong hệ thống nội bộ như: Pháp lý chứng từ, Thẩm định & Phê duyệt Tín dụng, Vận hành tín dụng, Kho quỹ…  

Theo báo cáo đánh giá hiện trạng công nghệ của ABBANK do McKinsey thực hiện trong năm 2021, ABBANK hiện có Ngân hàng lõi tinh gọn và ổn định với hệ thống T24, các năng lực API (Application Programming Interface) mới và các phương pháp/công cụ tốt đảm bảo an ninh mạng.

ABBANK cũng điều hành hoạt động Công nghệ Thông tin cực kỳ tinh gọn và hiệu quả so với các công ty cùng ngành. Ngoài ra, ABBANK cũng là ngân hàng có chiến lược quản trị dữ liệu rõ ràng về mặt kiến trúc dữ liệu.

Bên cạnh đó, đến cuối năm 2021, ABBANK cũng đạt bước tiến lớn về tuân thủ quy định của NHNN, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II/III ở các rủi ro trọng yếu.

Theo báo cáo “Rà soát tuân thủ Thông tư 41/2016/TT-NHNN và nội dung đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) theo Thông tư 13/2018/TT-NHNN tại ABBANK” công bố vào cuối tháng 9/2021 của Ernst & Young, ABBANK được công nhận “tuân thủ hoàn toàn” cả 3 trụ cột chính của Basel II gồm: Quy định tỷ lệ an toàn vốn (CAR); Đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP); Nguyên tắc thị trường (Minh bạch và kỷ luật), rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường theo chuẩn mực quốc tế. 

Về khung Basel III cho hạng mục quản lý rủi ro thanh khoản, ABBANK đã hoàn thiện khung quản trị và dữ liệu hệ thống. Ngân hàng đã thực hiện tính toán trên số liệu hiện tại và quá khứ để đánh giá hồ sơ thanh khoản của ngân hàng tại các chỉ số: LCR – Tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản (Liquidity Coverage Ratio) và NSFR – Tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (Net Stable Funding Ratio).

Trong đó chỉ số NSFR đạt trên 100% cho dữ liệu của hai năm qua. Kết quả này tương đương với các ngân hàng đang triển khai Basel III trên thế giới. 

Đầu năm 2022, ABBANK ra quyết định thay đổi cơ cấu tổ chức và giá trị cốt lõi nhằm đáp ứng những nhiệm vụ kinh doanh mới mang tính thử thách của giai đoạn 2021 – 2025.

Nâng cao năng lực tài chính

Ngoài việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh, 2021 cũng đánh dấu nhiều sự kiện tích cực về năng lực tài chính của ABBank như: hoàn thành kế hoạch tăng vốn giai đoạn 1 lên hơn 6.969 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và hơn 11 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP cho gần 2.000 cán bộ nhân viên (CBNV). 

Trong quý I/2022, ABBANK tiếp tục hoàn thiện tăng vốn giai đoạn 2 bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỉ lệ 35%. Kết thúc lộ trình, vốn điều lệ của ABBANK đạt mức trên 9.409 tỷ đồng.

Báo cáo tại ĐHĐCĐ, Ban Lãnh đạo của ABBANK cho biết số vốn điều lệ tăng thêm được sử dụng vào mục tiêu bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư cho các dự án chiến lược.Trong năm 2022, ABBANK dự kiến tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn 10.400 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBANK cho biết, so với nhiều năm trước đó, 2021 là năm có nhiều cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ABBANK.

Ngoài việc hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh của năm, ABBANK đã tiến hành hàng loạt biện pháp để tăng quy mô hoạt động thông qua việc tăng vốn điều lệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu tổ chức, thay đổi giá trị cốt lõi và chuẩn bị nguồn lực cả về tài chính, nhân sự và công nghệ cho quá trình chuyển đổi số hướng đến một mục tiêu tăng trưởng cao hơn.

Và tăng thu ngoài lãi từ đẩy mạnh số hóa

Ông Nguyễn Mạnh Quân, quyền Tổng giám đốc ABBANK cho biết, Ngân hàng hiện đang có nhiều giải pháp để tăng thu ngoài lãi trong thời gian tới như: phát triển sản phẩm bảo hiểm liên kết, dịch vụ tài trợ quốc tế, kiều hối, khai thác nhóm khách hàng ưu tiên và đặc biệt là đẩy mạnh công cụ ngân hàng số… để tăng sức cạnh tranh và thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng bán lẻ. 

Nói riêng về ngân hàng số, ứng dụng AB Ditizen của ABBANK đã có sự tăng trưởng rất đáng kể trong năm 2021: tăng 50% người dùng mới và nâng số khách hàng lũy kế lên 141.391 khách hàng, thu phí dịch vụ tăng 442%, lợi nhuận tăng 110%.

Là công cụ phù hợp cho chiến lược phát triển kinh doanh lĩnh vực bán lẻ, kế hoạch dự kiến trong năm 2022, AB Ditizen sẽ tiếp tục bổ sung thêm tính năng mới, mang lại nhiều tiện ích hơn để thu hút đa dạng đối tượng khách hàng như: phát triển các sản phẩm cho vay online, mua bán trái phiếu, giao dịch cổ phiếu, môi giới bất động sản, bảo hiểm, quản lý tài sản cá nhân, nhận tiền kiều hối online... 

Về mặt số hoá hạ tầng công nghệ, thời gian tới ABBANK cũng có kế hoạch triển khai các dự án tăng cường năng lực số hóa các hoạt động ngân hàng như: Hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM), Dự án Digital Platform (Omni-channel), Dự án Hệ thống Kế toán tài chính (GL và Fixed Asset), Phần mềm định giá tài sản, Phần mềm xử lý nợ, Dự án Quản lý định danh - IDM, Dự án triển khai hệ thống VTM, Enterprise Resource Planning (ERP)…

Ghi nhận về hiệu quả của chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của ABBANK là mức lợi nhuận bình quân trên mỗi nhân viên trong năm 2021 đạt mức 511 triệu đồng một người một năm - tương đương tăng 42% so với năm 2020.

Con số này dự kiến đạt 733 triệu đồng một người trong năm 2022, duy trì đà tăng trưởng hơn 40%.Xác định chuyển đổi số là nhu cầu quan trọng trong chiến lược phát triển tổng thể của Ngân hàng, ABBANK hiện tập trung mạnh mẽ vào các dự án đầu tư số hóa đồng bộ với kế hoạch chuyển đổi để đưa Ngân hàng có những bước tiến nhanh hơn trên thị trường.

Tin liên quan
Tin khác