Thông báo của Gazprom cho biết: “Việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream sẽ ngừng hoàn toàn cho tới khi sự cố với hệ thống được giải quyết”. Gazprom đang tiến hành bảo trì đường ống với sự hợp tác của nhà sản xuất tua-bin Siemens.
Trước đó, ngày 31/8, Gazprom bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa đường ống Nord Stream trong 3 ngày để tiến hành bảo trì và mở cửa trở lại vào ngày 2/9 nếu không có sự cố phát sinh.
Thực tế, việc Gazprom thông báo đóng cửa đường ống Nord Stream 1 và không xác định thời gian mở lại được công bố sau khi các quốc gia G7 nhất trí sẽ áp giá trần với dầu khí nhập khẩu từ Nga. Lãnh đạo Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu, EU nên áp giá trần đối với khí đốt Nga để ngăn chính quyền Nga thao túng thị trường.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Song kể từ tháng 7, Nord Stream 1 hoạt động ở mức 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất tối đa, với lý do một số tuabin ngừng hoạt động.
Thông báo của Gazprom khiến giới đầu tư đứng ngồi không yên, nhất là khi châu Âu đang chìm trong khủng hoảng năng lượng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, các quốc gia châu Âu cần nâng dự trữ năng lượng lên ít nhất 90% các kho dự trữ để đảm bảo an ninh năng lượng cho mùa đông 2022.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, quốc gia này đã dự trữ đầy 80% khí đốt tự nhiên và sẽ đạt mục tiêu dự trữ năng lượng sớm hơn thời hạn mục tiêu vào đầu tháng 10.
Trong thời gian qua, các nước châu Âu đều nỗ lực tự tìm kiếm các nguồn cung năng lượng cho mình và gây ra một số bất đồng trong khối Liên minh châu Âu, điển hình là việc Đức bị các thành viên khác chỉ trích khi nhanh tay thu gom năng lượng từ nhiều nguồn, không để ý đến lợi ích chung của các thành viên EU khác.
Về phía Nga, quốc gia này cho rằng, chính các lệnh cấm vận mà phương Tây đang áp dụng lên Nga đã gây cản trở các hoạt động sản xuất - kinh doanh và bảo dưỡng thường kỳ của hệ thống. Điều này có thể khiến việc cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 gặp nhiều gián đoạn hơn trong tương lai.