Thâm hụt ngân sách của Nga trong tháng 1/2023 đã vượt trên 24 triệu USD. Ảnh: AFP |
Thâm hụt kỷ lục trong tháng 1
Đài CNBC đưa tin, thâm hụt ngân sách của Nga trong tháng 1/2023 đã tăng lên mức kỷ lục 1.800 tỷ rúp (tương đương 24,4 triệu USD), trong đó chi tiêu tăng 58% so với năm trước còn doanh thu giảm hơn 1/3.
Sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ của Nga trong tháng 12/2022 đã giảm xuống mức thấp nhất, tính từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020. Cụ thể, doanh số bán lẻ lao dốc 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái còn sản xuất công nghiệp giảm 4,3%, trong khi mức giảm của tháng 11/2022 là 1,8%.
Nga vẫn chưa công bố số liệu tăng trưởng GDP của tháng 12/2022, nhưng số liệu này được cho là sẽ được đưa vào dữ liệu cả năm mà dự kiến công bố vào ngày 17/2 tới.
Theo Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), GDP năm 2022 của Nga giảm ít nhất 2,2% trong kịch bản tốt nhất và thậm chí có thể suy giảm tới 3,9%. Các tổ chức này cũng dự báo kinh tế Nga sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2023.
Tuy nhiên, cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương của Nga đều khẳng định rằng tất cả những điều này đều nằm trong dự tính.
Theo ông Chris Weafer, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn kinh doanh Macro Advisory (Moscow), một số trường hợp đặc biệt và kỹ thuật kế toán sẽ giúp lý giải quy mô thâm hụt ngân sách của Nga trong tháng 1/2023.
Bộ Tài chính Nga cho biết sự sụt giảm lớn về doanh thu thuế chủ yếu là do những thay đổi trong chế độ tính thuế bắt đầu từ đầu tháng 1. Trước đây, các công ty thường nộp thuế hai lần mỗi tháng, nhưng nay thực hiện một khoản thanh toán tổng vào ngày 28 hàng tháng.
Cơ quan này cũng cho biết hầu hết các khoản nộp thuế tháng 1 vẫn chưa được hạch toán trước ngày 31/1 và thay vào đó sẽ đưa vào số liệu tháng 2 và tháng 3.
Ông Weafer nhận định, sự thay đổi trong cơ chế tính thuế dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào tháng 1 và vấn đề này dự kiến sẽ được giải quyết trong những tháng tới, trong khi đó phân bổ chi tiêu công của Nga thường tập trung nhiều vào cuối năm, khiến thâm hụt ngân sách tăng lên.
Ông Christopher Granville, Giám đốc điều hành phụ trách nghiên cứu chính trị toàn cầu tại Công ty tư vấn đầu tư TS Lombard (London) đã lưu ý thêm hai yếu tố làm chệch các số liệu thâm hụt ngân sách gần đây của Nga.
Thứ nhất, đây là những số liệu đầu tiên được công bố kể từ khi lệnh cấm vận nhập khẩu dầu thô của các quốc gia trừng phạt Nga có hiệu lực vào ngày 5/12/2022.
"Trước ngày đó, châu Âu đã tích đầy dầu thô Urals, sau đó giảm thẳng về 0, vì vậy hoạt động xuất khẩu bằng đường biển của Nga phải định hình lại chỉ sau một đêm", ông Granville bình luận trên đài CNBC.
"Rõ ràng là đã có rất nhiều sự chuẩn bị cho việc tái định hình thương mại, nhưng quá trình định hình đó chắc chắn sẽ rất gập ghềnh", ông Granville nói thêm.
Theo Bộ Tài chính Nga, giá dầu Urals thực tế đã giảm còn mức trung bình 46,8 USD/thùng từ giữa tháng 12/2022 đến giữa tháng 1/2023. Đây là cơ sở tính thuế cho phần lớn các khoản thu ngân sách liên bang của Nga liên quan đến dầu khí trong tháng 1, khoản thu này cũng bị ảnh hưởng do nguồn thu bất ngờ giảm trong quý IV/2022 khi thuế tài nguyên khí đốt tự nhiên bị đẩy lên cao.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Nga đã đưa các khoản tạm ứng lớn cho hoạt động mua sắm công của tháng 1/2023, đáng nói là các khoản này gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Dự trữ của Nga có thể kéo dài bao lâu?
Nhìn chung trong tháng 1, giá Urals trung bình đã tìm lại mốc 50 USD/thùng, nhưng cả hai chuyên gia Granville và Weafer đều nhận thấy điều quan trọng lúc này là phải đánh giá tác động đối với giá Urals và hoạt động xuất khẩu của Nga bởi tác động của vòng trừng phạt mới nhất của phương Tây đã rõ ràng hơn.
Các quốc gia trừng phạt Nga đã mở rộng lệnh cấm tàu chở các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga từ ngày 5/2 và Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán xuất khẩu của Nga sẽ giảm mạnh khi nước này gặp khó khăn trong việc tìm đối tác thương mại thay thế.
Giá dầu thô xuất khẩu của Nga được coi là yếu tố quyết định chính cho việc Quỹ Tài sản Quốc gia Nga sẽ được rút tiền nhanh ra sao, đáng chú ý nhất là “khoản đệm” dự trữ quan trọng trị giá 310 tỷ nhân dân tệ Trung Quốc (tương đương 45,5 tỷ USD), tính đến ngày 1/1.
Nga đã tăng cường bán ra đồng nhân dân tệ của Trung Quốc do doanh thu năng lượng giảm. Moscow cũng có kế hoạch bán thêm 160,2 tỷ rúp ngoại tệ từ ngày 7/2 đến ngày 6/3, gần gấp 3 lần doanh số ngoại hối so với tháng trước.
Tuy nhiên, khoản dự trữ của Nga vẫn còn "dư dả". Ông Granville cho rằng Điện Kremlin sẽ ngừng thoái cạn dự trữ đồng nhân dân tệ trước khi nó cạn kiệt hoàn toàn, thay vào đó Nga sẽ sử dụng các công cụ khác.
Một số thông tin vào năm ngoái cho thấy Moscow có thể đầu tư vào một làn sóng nhân dân tệ khác và dự trữ các đồng tiền "thân thiện" khác nếu nguồn thu từ dầu khí cho phép. Thế nhưng, với tình hình tài chính hiện nay, Nga sẽ không thể bổ sung dự trữ ngoại hối trong một thời gian, theo bà Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu tại Công ty phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit.
"Hiện nay, số liệu thống kê là bí mật quốc gia ở Nga, đặc biệt là liên quan đến dự trữ của các quỹ tài sản quốc gia - rất khó để biết khi nào điều đó sẽ xảy ra, nhưng mọi thứ mà chúng tôi thấy từ quan điểm tài chính là mọi thứ sẽ không diễn ra êm đẹp, cho nên chắc chắc Nga sẽ phải rút bớt nguồn dự trữ của mình", bà Demarais đánh giá.
"Ngoài ra, quốc gia này có kế hoạch phát hành nợ, nhưng điều này chỉ có thể được thực hiện trong nước nên nó giống như một vòng tròn khép kín - các ngân hàng Nga mua nợ từ nhà nước Nga… Đó không hẳn là cách huy động vốn hiệu quả nhất cho chính mình và rõ ràng nếu một thứ gì đó sụp đổ thì toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ theo", bà Demarais nhận xét.
Kinh tế Nga đang đứng vững trước các đòn trừng phạt
Cấu trúc độc đáo của nền kinh tế Nga, đặc biệt là phần đáng kể trong GDP, được chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước. Đó là lý do chính giải thích tại sao đời sống kinh tế của người Nga và những nỗ lực chiến sự, nếu nhìn từ bề ngoài, thì dường như không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây, theo ông Weafer.
"Điều đó có nghĩa là trong thời điểm khó khăn, nhà nước Nga có thể bơm tiền vào khu vực công, tạo sự ổn định và trợ cấp cũng như giữ cho các ngành công nghiệp và dịch vụ đó tiếp tục hoạt động", ông Weafer cho biết thêm.
Chuyên gia này phân tích thêm: "Điều đó tạo ra một nhân tố ổn định cho nền kinh tế Nga, nhưng tất nhiên, trong thời điểm thuận lợi hay phục hồi, nó cũng đóng vai trò mũi nhọn".
Ông Weafer cho rằng khu vực tư nhân của Nga có sự biến động lớn hơn nhiều, bằng chứng là sự sụt giảm gần đây trong lĩnh vực sản xuất ô tô.
Tuy nhiên, chuyên gia này đánh giá những khoản trợ cấp của chính phủ Nga cho các ngành công nghiệp then chốt của khu vực công đã giúp ổn định tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
"Tôi nghĩ rằng nó ngày càng phụ thuộc vào số tiền mà chính phủ Nga chi ra. Nếu có đủ tiền để chi tiêu cho việc cung cấp các khoản hỗ trợ xã hội và hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng, thì tình trạng đó có thể diễn ra trong một thời gian rất dài", ông Weafer đánh giá.
"Mặt khác, nếu ngân sách gặp khó khăn và chúng tôi cho rằng nếu chính phủ Nga không thể vay tiền, họ sẽ phải bắt đầu cắt giảm và đưa ra lựa chọn giữa chi tiêu cho quân sự, hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ chốt, hỗ trợ xã hội và đó là những gì tình hình có thể biến đổi, nhưng ngay bây giờ, họ vẫn có đủ tiền cho quân đội, hỗ trợ các ngành công nghiệp then chốt, trợ cấp việc làm và các chương trình xã hội", ông Weafer nhận định.