Mô hình hộ kinh doanh tiện hơn
Chỉ có khoảng 8,7% hộ kinh doanh có vốn từ 1 - 5 tỷ đồng nghĩ tới việc thành doanh nghiệp. Tỷ lệ muốn lên doanh nghiệp của các hộ có trên 10 lao động cũng chỉ khoảng 5,63%.
Phải nói rõ, đây là các hộ kinh doanh lớn, tương đương với quy mô doanh nghiệp nhỏ theo định nghĩa về doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc thay đổi chế độ kế toán, xây dựng hệ thống quản trị khiến hộ kinh doanh ngại chuyển thành doanh nghiệp. |
Tuy nhiên, con số mà Báo cáo Nghiên cứu Chính thức hóa hộ kinh doanh ở Việt Nam: Thực trạng và Khuyến nghị chính sách do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố sáng 28/4 mới ghi nhận dự định của các hộ kinh doanh này. Trên thực tế, họ vẫn đang duy trì mô hình hộ kinh doanh, với những bất lợi về quyền kinh doanh, bị hạn chế về số lao động thường xuyên, được nộp thuế khoán…
“Họ chưa thấy nhiều lợi thế từ mô hình doanh nghiệp, trong khi đang thấy lợi ích từ các quy định đơn giản với hộ kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế (CIEM) phân tích kết quả nghiên cứu.
Nhưng dường như mọi việc không hẳn như vậy. Chính kết quả điều tra của CIEM cho thấy, các chủ hộ nắm khá rõ những bất lợi nếu họ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Tới 64,1% hộ kinh doanh biết rằng, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ chặt chẽ hơn các quy định về kinh doanh; 56% biết chi phí quản lý tài chính, kế toán sẽ tăng lên; 67% hộ kinh doanh nhìn thấy ràng buộc về quản trị doanh nghiệp của pháp luật với doanh nghiệp sẽ làm khó họ; 52,8% lo ngại sẽ bị kiểm tra, thanh tra nhiều hơn từ các cơ quan thuế, lao động, môi trường, an ninh…
Trong các phiếu trả lời phỏng vấn, nhiều hộ kinh doanh thừa nhận rất ngại chuyển sang mô hình doanh nghiệp vì phải thay đổi chế độ kế toán từ thuế khoán lên tự khai, tự nộp, tự in và sử dụng hóa đơn. Đó là chưa kể cách thức quản lý sổ sách thay đổi đòi hỏi họ phải thuê nhân lực, xây dựng hệ thống quản trị…
“Chi phí sẽ phát sinh khi chuyển đổi và khả năng đảo lộn hoạt động sản xuất kinh doanh hiện có khiến các chủ hộ thực sự không mặn mà với việc chuyển đổi. Họ cũng nói ngại đụng chạm đến thủ tục hành chính”, bà Luyến cho biết.
Giải pháp nào?
Thực ra, ngay khi Luật Doanh nghiệp 1999 được ban hành, chính sách thúc đẩy các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp đã có. Luật Doanh nghiệp 2014 cũng nhắc lại yêu cầu này. Các địa phương cũng có chính sách cụ thể, như hỗ trợ lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp, kinh phí thực hiện phần mềm kế toán, biển hiệu doanh nghiệp…
Nhưng cho đến nay, không có số liệu thống kê nào về việc này.
Điều tra của CIEM cho một kết quả là chỉ có 17,8% số doanh nghiệp điều tra được đăng ký, thành lập trên cơ sở hộ kinh doanh.
Đơn giản hóa và quy định cụ thể quy trình, thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp theo hướng không phải chấm dứt hoạt động kinh doanh của hộ;
Thể chế hóa cơ chế, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được xây dựng;
Quy định rõ thời hạn, chế tài chuyển đổi hộ kinh doanh đủ điều kiện sang hình thức doanh nghiệp hoặc yêu hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải áp dụng các chế độ, chính sách như doanh nghiệp.
Có cơ chế chính sách đảm bảo doanh nghiệp sau chuyển đổi duy trì hoạt động sản xuất…
Nguồn: CIEM
Khi bàn về giải pháp, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM thẳng thắn nhận xét, chính sách khuyến khích phải trả lời được đúng các vướng mắc mà các chủ hộ kinh doanh đang nêu ra.
“Nếu không thấy lợi, có ‘xúi giục’ thế nào họ cũng không lên. Đừng vì mục tiêu cần có bao nhiêu doanh nghiệp, mà phải để các vị chủ hộ thấy rằng, họ không thể phát triển hơn được nữa nếu không thay đổi, vẫn giữ tư tưởng làm ăn cò con”, ông Bá đề xuất.
Có lẽ về bản chất, tư tưởng cò con chính là nỗi lo mà các nhà hoạch định chính sách mong muốn khu vực này thay đổi, cho dù họ giữ mô hình hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp. Đây là một trong những lý do chính kéo lùi năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, cản trở sự tham gia của khu vực này vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Cuộc khảo sát 10 năm trước cũng của CIEM đưa ra nhận định như vậy, và tiếp tục nhắc lại trong lần khảo sát này, năm 2017.
“Khi chúng tôi đến một hộ kinh doanh trong lĩnh vực sửa chữa, gia công chi tiết cơ khí tại Đồng Nai, đã thấy cơ sở khá hiện đại, gồm 6 máy tiện, phay, bào bán tự động do Nhật Bản sản xuất, giá trị ước khoảng vài trăm triệu. Nhưng chủ hộ khi khai vốn kinh doanh chỉ là 50 triệu đồng và thực hiện thuế khoán theo mức 500.000 đồng/tháng”, bà Luyến kể.
Đây là cách các hộ hay sử dụng để giảm bớt sự chú ý của chính quuyền địa phương và để thỏa thuận mức thuế khoán thấp, nhưng là bất lợi nếu hộ kinh doanh muốn trở thành đối tác của doanh nghiệp lớn. Hơn thế, cách kinh doanh này không công bằng với những doanh nghiệp khác.