Tôn vinh 50 doanh nghiệp tiêu biểu
Chia sẻ tại đối thoại trong khuôn khổ lễ tôn vinh 50 doanh nghiệp tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của TP.HCM ngày 15/4, ông Phạm Phú Ngọc Trai, thành viên Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC) nhớ lại giây phút sau ngày đất nước thống nhất, TP.HCM đối mặt với muôn vàn khó khăn như cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh tế suy giảm, bị cấm vấn và thiếu hụt nguyên vật liệu, máy móc, ngoại tệ… Tuy nhiên, với tinh thần tự lực và sáng tạo, người dân Thành phố đã bắt tay kiến tạo từ những gì mình có.
Từ những cửa hàng bán lẻ, tổ hợp, hợp tác xã nhỏ bé, những xưởng sản xuất thô sơ đến các doanh nghiệp tiên phong của kinh tế tư nhân - tất cả đều khởi nguồn từ sự tự lực, sáng tạo và khát vọng đổi thay.
Đến nay, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, qua nhiều thập niên luôn giữ vững vai trò tiên phong, với đóng góp ổn định hàng năm 1/5 GDP và hơn 1/4 tổng thu ngân sách quốc gia. Đằng sau những con số ấy là cả một hệ thống chính quyền, doanh nghiệp và người dân miệt mài cống hiến không ngơi nghỉ bằng bản lĩnh, sự sáng tạo và khát vọng vươn lên.
![]() |
Hoạt động đối thoại trong khuôn khổ lễ tôn vinh 50 doanh nghiệp tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của TP.HCM. |
Do đó, 50 doanh nghiệp tiêu biểu của TP.HCM được tuyên dương nhân dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là những người đã góp phần làm nên diện mạo, tinh thần và khát vọng của một Thành phố không ngừng chuyển mình.
Suốt 50 năm qua, TP.HCM đã đi qua những ngày đầu gian khó, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, khoa học, giáo dục hàng đầu của cả nước, một nơi luôn thắp sáng tinh thần dấn thân, dẫn đầu và đổi mới.
“50 doanh nghiệp và đơn vị được vinh danh không chỉ vì thành tích, mà vì tầm vóc tinh thần những ngọn lửa sống động truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo. Từ đó, tôi tin rằng dù biến động đến đâu, khó khăn đến đâu, với sự đồng lòng, TP.HCM sẽ tiếp tục là nơi gìn giữ và lan tỏa ngọn lửa ấy, để cùng cả nước đi xa hơn, vững vàng hơn trên hành trình phát triển”, ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ.
Hiện nay, thế giới đang chuyển mình dữ dội, biến động địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột kéo dài, cạnh tranh công nghệ ngày càng khốc liệt và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo… tất cả đang định hình lại trật tự toàn cầu, đặt ra nhiều ẩn số trong tương lai.
“Trong cơn lốc ấy, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định và năng động. Từ thể chế doanh nghiệp, từ bệnh viện đến trường học, từ những nhà lãnh đạo đến người dân - tất cả đang đồng lòng nắm chặt lấy giá trị cốt lõi để bước tiếp một cách vững chãi. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân không còn đứng ở rìa mà đang dần giữ nhiều vị trị trung tâm trong nhiều lĩnh vực then chốt. Những chính sách mang tính trao quyền đang hình thành để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân và kiến tạo không gian phát triển mới cho quốc gia”, ông Ngọc Trai chia sẻ.
TP.HCM đồng hành cùng doanh nghiệp
Từ những ý kiến đóng góp tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, trong chiến lược phát triển kinh tế, TP.HCM tập trung ưu tiên phát triển các lĩnh vực, ngành nghề ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy các hoạt động đổi mới, sáng tạo; khuyến khích và hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế và đồng kiến tạo TP.HCM phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
TP.HCM kỳ vọng 50 đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu được tôn vinh sẽ trở thành những đơn vị tiên phong, định hình thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế, kiến tạo cho sự phát triển bền vững của TP.HCM.
“Như Đại học Kinh tế TP.HCM sẽ trở thành đại học đa ngành - kết nối quốc tế, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) trở thành doanh nghiệp bán lẻ mang tầm quốc tế;,Tổng công ty Điện lực TP.HCM - đơn vị dẫn đầu xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi năng lượng xanh tại TP.HCM hay Tập đoàn Đại Dũng - đơn vị xuất khẩu kết cấu thép toàn cầu, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ trở thành trung tâm y học hàng đầu Đông Nam Á…”, ông Võ Văn Hoan chia sẻ.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ tập trung đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư, mô hình đồng kiến tạo. Theo đó, TP.HCM sẽ tổ chức các hoạt động đối thoại định kỳ với doanh nghiệp, tham vấn ý kiến doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách, xem doanh nghiệp là đối tác phát triển, chứ không chỉ là đối tượng quản lý.
Đặc biệt, TP.HCM và cộng đồng doanh nghiệp nói chung, 50 đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu của TP.HCM nói riêng cùng thống nhất tư duy đổi mới kiến tạo và hành động để tạo nên bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố sau 50 năm sẽ định hình thương hiệu vững vàng trên bản đồ kinh tế thế giới.