Đại hộ cổ đông của Sacombank, BIDV, VietinBank… đều đã thông qua kế hoạch lập công ty tài chính trực thuộc ngân hàng |
Ngoài những ngân hàng đã mua lại hoặc thành lập mới công ty tài chính để chuyển đổi sang mô hình công ty tài chính cho vay tiêu dùng như: Techcombank có công ty tài chính trực thuộc FE Credit; HDBank có CTTC HDFinance vừa bán 49% cổ phần cho Credit Saison và chuyển đổi thành ngân hàng khác cũng đang có kế hoạch mua lại hoặc thành lập công ty tài chính mới.
ACB lên kế hoạch thành lập mới hoặc mua lại công ty tài chính dự kiến vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Theo ACB, sắp tới, các ngân hàng thương mại có thể sẽ không còn được cho vay tiêu dùng, vì thế ACB trình cổ đông kế hoạch thành lập công ty tài chính để phục vụ cho mảng hoạt động này. Công ty tài chính sẽ có những hoạt động gồm: tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, bao thanh toán. ACB cũng đã dự trù khá chi tiết về hoạt động của công ty tài chính trong 3 năm tới, với lợi nhuận trước thuế năm đầu dự kiến 89 tỷ đồng; năm thứ 2 là 105 tỷ đồng và năm thứ 3 là 123 tỷ đồng.
Trong các tờ trình cổ đông thông qua tại kỳ ĐHCĐ thường niên 2015 diễn ra ngày 21/4, Sacombank cũng lên kế hoạch thành lập công ty tài chính vốn 500 tỷ đồng và công ty bảo hiểm dưới hình thức liên doanh nước ngoài với phần góp vốn dự kiến 500 tỷ đồng; công ty bảo hiểm phi nhân thọ với vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Trong đó, về công ty tài chính, theo ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, hiện nay, đời sống người dân ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng gia tăng, lĩnh vực bán lẻ được các ngân hàng chú trọng. Sacombank muốn chuyên biệt hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, thúc đẩy mảng bán lẻ nên việc thành lập công ty tài chính cho vay tiêu dùng là cần thiết. Vốn điều lệ của công ty tài chính dự kiến là 500 tỷ đồng.
Nam A Bank, OCB, DongA Bank… cũng lên kế hoạch thành lập công ty tài chính nhằm mục tiêu đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Trong đó, OCB, DongA Bank sẽ thành lập công ty tài chính mới.
Tổng giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, thị trường có những phân đoạn khách hàng khác nhau, bản thân khách hàng cũng cần những sản phẩm nhanh hơn. Vì vậy, ngân hàng cũng cần có công ty tài chính tiêu dùng để đáp ứng được nhu cầu và quản lý rủi ro.
Trao đổi với Phóng viên, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường tập trung vào các khoản vay nhỏ lẻ và không có tài sản đảm bảo, nên lãi suất sẽ được áp dụng cao hơn và cần thiết phải qua công ty tài chính để quản lý rủi ro một cách tốt hơn. Về phía ngân hàng, cũng đẩy mạnh cho khách hàng cá nhân vay vốn, nhưng khoản vay thường lớn hơn, lãi suất phù hợp, tuy nhiên, điều kiện đưa ra sẽ chặt chẽ hơn.
Hàng loạt ngân hàng, trong đó có cả những ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, cũng đang lên kế hoạch thành lập hoặc mua lại công ty tài chính để chuyển hẳn hoạt động cho vay tín chấp, tiêu dùng sang các công ty này. BIDV trở thành ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối đầu tiên lên kế hoạch lập công ty tài chính tiêu dùng. Kế hoạch này đã được HĐQT BIDV trình cổ đông thông qua tại ĐHCĐ ngày 17/4 vừa qua. Theo đó, BIDV trình 3 phương án: một là mua lại công ty tài chính đang hoạt động; hai là chuyển đổi hoạt động công ty cho thuê tài chính hiện có của BIDV thành công ty tài chính tiêu dùng; ba là thành lập công ty tài chính mới trong trường hợp không thực hiện được hai phương án trên.
Trong kỳ ĐHCĐ thường niên vừa diễn ra, VietinBank cũng thông qua Đề án sáp nhập PGBank, trong đó, chuyển một phần PGBank thành Công ty Tài chính PG Finance.
Thực tế cho thấy, lãi suất cho vay tiêu dùng đang được các công ty tài chính trực thuộc ngân hàng và công ty tài chính độc lập áp dụng khá cao, thậm chí có nơi, mức lãi suất được áp dụng lên đến vài chục phần trăm một năm, tùy theo khoản vay cũng như đối tượng vay. Điều này đã đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho ngân hàng.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, việc các ngân hàng thương mại đua thành lập công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là cần thiết, nhằm mở rộng đối tượng khách hàng, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng nhỏ, lẻ cho người dân, đồng thời giúp kiểm soát tốt rủi ro. Tuy nhiên, TS. Kiêm cho rằng, không phải vì thế mà các ngân hàng có thể ồ ạt đẩy mạnh cho vay tiêu dùng khi có công ty tài chính mà không kiểm soát rủi ro.
“Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng được áp dụng mức cao hơn so với tín dụng thông thường, nhưng để các công ty tài chính không thể ‘bắt chẹt’ khách hàng thì cần có mức trần đối với lãi suất tín dụng tiêu dùng”, TS. Kiêm nói.