Huy động vốn qua sàn
Các ngân hàng đang đứng trước áp lực tăng vốn, đảm bảo an toàn rủi ro để đáp ứng chuẩn Basel II. Những ngân hàng có Hệ số An toàn vốn (CAR) quanh mức 9% sẽ phải tính đến phương án tăng vốn cấp 1 hoặc cấp 2, nên không chỉ ngân hàng nhỏ, mà cả 10 ngân hàng thương mại được thí điểm cũng phải tăng vốn. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng chuẩn mới.
. |
Tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II là nhiệm vụ không dễ, ngay cả đối với các ông lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV..., cho dù đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Với ngân hàng nhỏ, khó khăn lại càng chồng chất. Có mức vốn điều lệ chỉ ngang mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng hoặc cao hơn chút đỉnh, các ngân hàng rất khó để nâng cao năng lực tài chính, thậm chí khó tồn tại khi thị trường cạnh tranh ngày một gay gắt, lộ trình áp chuẩn basel II đến gần.
Cả hệ thống ngân hàng hiện có khoảng 6 nhà băng có vốn điều lệ ở mức thấp (Kienlongbank, Viet Capital Bank, VietBank, VietA Bank, Saigonbank, Nam A Bank…) và đều có kế hoạch tăng vốn cũng như lên sàn trong năm nay. Cụ thể, Nam A Bank đã trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 thông qua kế hoạch tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng và niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Chủ tịch HĐQT VietBank, ông Dương Ngọc Hòa cho biết, Ngân hàng sẽ lên sàn UpCom trước khi niêm yết trên HOSE vào năm 2020 và triển khai kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng so với mức hơn 3.000 tỷ đồng hiện tại. Trong khi đó, Viet Capital Bank, Kienlongbank chưa có kế hoạch tăng thêm vốn điều lệ, dù mức vốn hiện chỉ ngang bằng vốn pháp định quy định.
Các nhà băng kỳ vọng, thị trường chứng khoán thuận lợi, giá cổ phiếu ngân hàng tăng sẽ là cơ hội để họ huy động vốn khi niêm yết trên sàn chứng khoán…
Không dễ thành công
Theo các chuyên gia tài chính - kinh tế, việc ngân hàng niêm yết trên sàn là cần thiết để minh bạch hoạt động, tìm kiếm cơ hội huy động vốn trước áp lực tiến tới đáp ứng chuẩn Basel II vào năm 2020. Tuy nhiên, các nhà băng không dễ thành công trong huy động vốn khi lên sàn, bởi nếu không đủ tiềm lực, sẽ khó thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Diễn đàn sẽ nhìn lại chặng đường 10 năm của hoạt động M&A tại Việt Nam, đánh giá những cơ hội trong thời điểm bước ngoặt trước kỷ nguyên mới của thị trường.
Diễn đàn là nơi gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp của giới đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, các nhà đầu tư quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Thuận cho rằng, với nhà đầu tư, việc lựa chọn rót vốn vào ngân hàng, doanh nghiệp luôn có sự tính toán và cân nhắc kỹ. Thực tế cho thấy, với 16 cổ phiếu đã giao dịch trên sàn, không phải tất cả đều tăng giá mạnh trong thời gian qua. Chỉ những cổ phiếu của ngân hàng có thế mạnh và đã xử lý được nợ xấu (VCB, ACB, VPB, HBD, CTG, MB…) mới có biên độ tăng giá trên dưới 40% so với đầu năm 2017.
Việc chạy đua theo làn sóng lên sàn để huy động vốn càng không dễ với các nhà băng nhỏ. Thậm chí, các ngân hàng yếu kém, không tăng được năng lực tài chính và sức cạnh tranh sẽ khó tránh được M&A, kể cả khi đã niêm yết. Điều này đã được chứng minh qua thực tế khi Navibank sớm niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nhưng vì kinh doanh thua lỗ, nên bị đưa vào diện tái cơ cấu và phải đổi chủ từ năm 2013, rồi đổi tên thành NCB từ năm 2014.
Một cái tên đã khẳng định vị thế trên thị trường là Sacombank cũng không thể tránh khỏi làn sóng M&A, khi cuối năm 2012 đã rơi vào tay của nhóm cổ đông lớn và buộc “cha đẻ” Đặng Văn Thành phải rời ghế Chủ tịch HĐQT, dù đây là ngân hàng niêm yết đầu tiên trong ngành ngân hàng và lên sàn sớm nhất kể từ khi thị trường chứng khoán được thành lập. Thời điểm đó, việc kinh doanh của Sacombank đang tiến triển tốt, với lợi nhuận cả ngàn tỷ đồng…