Tập trung nguồn lực tái cơ cấu
Sacombak, Eximbank khó có thể được NHNN chấp thuận cho sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức như đề nghị được đệ trình NHNN trước thềm ĐHCĐ tổ chức cuối tuần này và đầu tuần tới, vì các nhà băng này đang quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và phải tăng trích dự phòng rủi ro.
Chính lãnh đạo cấp cao của một trong những nhà băng có tờ trình xin chia cổ tức cũng thừa nhận, sẽ khó được NHNN thông qua khi ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc.
Một lãnh đạo NHNN cũng cho hay, với các nhà băng đang phải tập trung nguồn lực cho quá trình tái cấu trúc thì cổ đông chưa thể sớm kỳ vọng cổ tức.
Trong khi, trước thềm ĐHCĐ dự kiến diễn ra ngày 23/4 tới, HĐQT Sacombank đã có tờ trình lên NHNN xin dùng gần 6.500 tỷ đồng chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Theo Sacombank, năm 2020, Ngân hàng lãi trước thuế 3.339 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2019, vượt 30% so với kế hoạch. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản ở mức 492.516 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Tín dụng tăng 15% lên 340.572 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,94% xuống 1,64%.
Tổng số dư dự phòng của Sacombank đến cuối năm 2020 là 13.000 tỷ đồng, tăng 43,3% so với năm 2019 (tương đương mức trích lập dự phòng trong 2020 là 3.951 tỷ đồng).
Sau khi trừ trích các quỹ, lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế của Sacombank gần 6.496 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến sử dụng toàn bộ phần lợi nhuận này để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và đang chờ NHNN phê duyệt.
Hiện Sacombank đang chờ sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, nếu được chấp thuận sẽ triển khai, thực hiện trình cổ đông trong kỳ ĐHĐCĐ tới đây. Đây cũng là điều được cổ đông Sacombank mong mỏi trong nhiều năm nay.
Tuy nhiên, kể từ năm 2015 đến nay, Sacombank đang quá trình thực hiện tái cơ cấu theo Đề án NHNN phê duyệt nên phải tập trung mọi nguồn lực tái cấu trúc và Sacombank chưa được phép chia cổ tức.
Chính Chủ tịch HĐQT Sacombank ông Dương Công Minh cho biết, Ngân hàng sẽ hoàn thành tái cơ cấu sau mốc thời gian 2022 - 2023. Khi đó chắc chắn Sacombank sẽ mạnh hơn bây giờ nhiều lần, và sẽ được chia cổ tức cho cổ đông.
Đến hết năm 2020, tổng nợ xấu nội bảng của Sacombank tăng 0,8% lên 5.780 tỷ đồng. Trong khi, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 14,9% đạt 340.268 tỷ đồng. Qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,94% xuống 1,7%.
Doanh số thu hồi và xử lý nợ xấu của Sacombank trong năm qua đạt hơn 15.200 tỷ đồng. Trong đó, đã thu hồi 8.200 tỷ đồng các khoản thuộc Đề án tái cơ cấu Sacombank sau khi sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).
Nâng mức thu hồi lũy kế từ khi triển khai Đề án lên 46.457 tỷ đồng, đạt 52,2% kế hoạch tổng thể Đề án đến 2025, vượt 4,2% tiến độ.Tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 48,2% so với cuối năm 2016, chiếm 9,8% tổng tài sản, góp phần tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời từ 67,9% lên 85,2%.
Tính từ năm 2017 đến nay, Sacombank đã xử lý gần 47.000 tỉ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc đề án tái cấu trúc, đưa tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới 9% trong tổng tài sản.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, mục tiêu của Ngân hàng đưa ra cho năm nay là xử lý trên 10.000 tỷ đồng nợ xấu, vì lượng nợ xấu tồn đọng của Sacombank đã giảm nhiều so với thời điểm sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam.
Một số chỉ tiêu kế hoạch hợp nhất được Sacombank đưa ra cho năm 2021 gồm: tổng tài sản 533.300 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020; tổng nguồn vốn huy động đạt 485.500 tỷ đồng, tăng 9% so với năm rồi.
Một trường hợp khác là SCB, tại kỳ ĐHCĐ thường niên năm ngoái, cổ đông ngân hàng này cho biết, suốt 8 năm qua, rất nhiều lần cam kết sẽ chia cổ tức nhưng đến thời điểm tổ chức hội nghị cổ đông lần này, vấn đề này vẫn không được đưa vào nghị quyết.
Lãnh đạo SCB giải bày rằng, rất hiểu sự mong đợi cổ tức từ phía các cổ đông. Ban lãnh đạo cũng rất băn khoăn, trăn trở việc nhiều năm không chia cổ tức cho cổ đông. Nhưng thực tế, không phải là ngân hàng không có tiền, mà thậm chí còn có đến 1.234 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại có thể chia cổ tức.
Tuy nhiên, do SCB đang trong giai đoạn tái cấu trúc nên chưa được chia cổ tức và phải tập trung mọi nguồn lực tái cơ cấu. Số tiền này cũng không mất đi đâu vì được ngân hàng đầu tư vào các tài sản dưới dạng bất động sản và đang tăng giá trị.
Xử lý nợ xấu, tăng trích dự phòng
Trong khi đó, Eximbank đã có văn bản báo cáo NHNN và đề xuất chấp thuận cho ngân hàng được chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021.
Nếu được NHNN chấp thuận, HĐQT Eximbank sẽ trình cổ đông phương án phân phối cụ thể trong kỳ ĐHCĐ thường niên 2020 (lần thứ 3) diễn ra ngày 26/4 tới tại Hà Nội. Còn ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 sẽ tổ chức vào ngày 27/4, tại cùng địa điểm trên.
Theo Eximbank, dự kiến với số lợi nhuận được chia theo báo cáo hợp nhất sau khi trừ trích quỹ khen thưởng, phúc lợi các năm từ 2018 đến 2020 là 2.214 tỷ đồng. Sau khi trừ số cổ phiếu quỹ Eximbank đang nắm giữ, mức cổ tức dự kiến sẽ là 1.800 đồng/cổ phiếu.
Eximbank là một trong những ngân hàng nằm trong diện không được chia cổ tức, do được NHNN chấp thuận tổng thời gian gia hạn và thời gian gốc là 10 năm kể từ ngày phát hành đối với các trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành từ năm 2015 về trước.
Theo quy định của NHNN, tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có thời hạn trên 5 năm hoặc được gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt sẽ không được chia cổ tức, nhằm tạo nguồn xử lý nợ xấu cho tới khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm hoặc trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.
Eximbank đã tất toán được trái phiếu VAMC cuối tháng 3/2021, nhưng còn một khoản nợ xấu thế chấp bằng cổ phiếu STB của Sacombank.
Báo cáo của Ban kiểm soát Eximbank chuẩn bị cho ĐHCĐ 2020 (nhưng bất thành) cho biết, khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu STB cũng khiến hai chỉ tiêu an toàn hoạt động của ngân hàng không đạt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ của Eximbank tại thời điểm 31/12/2019 là 6,04%, cao hơn so với mức quy định tối đa theo Thông tư 36/2014 là 5%, chủ yếu là 7 khách hàng quá hạn thế chấp cổ phiếu STB vay mua cổ phiếu EIB, với tổng dư nợ là 746 tỷ đồng.
Để giải quyết vấn đề này, Eximbank đã lên kế hoạch bán số lượng cổ phiếu STB thế chấp để xử lý nợ xấu.
Trước đó, ngày 2/10/2019, NHNN cũng đã có công văn chấp thuận cho Eximbank được xử lý tài sản đảm bảo là hơn 74,9 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ vay theo quy định. Do đó, Ban lãnh đạo Eximbank cho biết, năm 2020, ngân hàng sẽ tập trung xử lý khoản nợ này.
Các khoản nợ thế chấp bằng hàng trăm triệu cổ phiếu STB khiến nợ xấu và chi phí dự phòng của Eximbank cao trong thời gian gần đây. Ngân hàng muốn đẩy nhanh xử lý khoản nợ khó đòi trên, song đến nay chưa hoàn tất. Vả lại, nội bộ giữa các nhóm cổ đông lớn của Eximbank đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung nên chưa thể tổ chức thành công ĐHCĐ.
Theo kế hoạch, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 2.150 tỷ đồng, tương đương tăng 63% so với năm trước. Tổng tài sản mục tiêu đạt 177.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2020. Trong đó, dự nợ cấp tín dụng đạt 117.000 tỷ đồng, tăng 15%.
Tuy nhiên, Eximbank sẽ điều chỉnh trong trường hợp NHNN có thông báo. Ngoài ra, ngân hàng kế hoạch quy mô huy động vốn đạt 148.000 tỷ đồng, tăng 10%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát khống quá 2,5% tổng dư nợ.
Thực tế, không chỉ với những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu không được chia cổ tức, mà trong bối cảnh khó khăn của thị trường do ảnh hưởng bởi Covid-19, NHNN cầu các ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền mặt, tập trung nguồn lực giảm lãi suất.
Theo Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội đồng cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.